Xuất khẩu năm 2023, các thách thức mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xuất khẩu hàng hóa năm 2022 ước tăng 10,5% so với năm 2021, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (tăng 8%), với tổng kim ngạch ước đạt 371,5 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11 tỷ USD. Song những tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng có xu hướng chững lại, doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với nhiều thách thức hơn.
Nguy cơ kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại có thể tác động bất lợi tới doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên
Nguy cơ kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại có thể tác động bất lợi tới doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên

Từ đầu tháng 7/2022, đã có nhiều dự báo không mấy lạc quan về đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm do tình trạng lạm phát gia tăng làm giảm sức tiêu thụ tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… Bên cạnh đó, tỷ lệ mất giá của VND so với USD cao cũng ảnh hưởng đến khả năng giao thương của hàng hóa Việt Nam, nhất là những hàng hóa sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Trong ngành dệt may, sau 8 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực, kể từ tháng 9/2022, đơn hàng xuất khẩu dần sụt giảm. Thậm chí, tháng 10/2022 đánh dấu lần đầu tiên trong năm kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,18 tỷ USD (giảm 3,3%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Mỹ (chiếm 36,1% tổng giá trị xuất khẩu dệt may cả nước) suy giảm 14%, đạt 1 tỷ USD. Tháng 10 cũng là tháng đầu tiên trong năm ghi nhận hàng dệt may xuất khẩu đi Hàn Quốc giảm (9%) so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ước tính của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2022 ước đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021. Dù giữ được mức tăng trưởng cao, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại rõ rệt khi đặt cạnh mức tăng 21% tính trong 9 tháng đầu năm.

Lạm phát kỷ lục tại một số quốc gia do giá năng lượng và lương thực tăng cao dẫn tới tiêu dùng cá nhân trong lĩnh vực thời trang bị thắt chặt. Lĩnh vực này chỉ còn nằm trong nhóm ưu tiên thứ 5 của người tiêu dùng tại các nước phát triển, sau năng lượng, thực phẩm, y tế - dược và giáo dục. Cùng với đó là hiện tượng quá mua (nhập khẩu quá nhiều) trong quý I/2022 của các chuỗi bán lẻ do tin vào các dự báo “tươi sáng” của năm 2022, được nhiều tổ chức đưa ra vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như dự báo. Khi hàng loạt người tiêu dùng cuối cùng thắt chặt chi tiêu, lượng tồn kho tại nhiều chuỗi phân phối lên mức đỉnh lịch sử.

Đối với ngành thủy sản, điểm sáng là kim ngạch xuất khẩu dự báo đạt mức 11 tỷ USD cho năm 2022. Tuy nhiên, nếu như kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức trên 1 tỷ USD liên tiếp từ tháng 3 tới tháng 6, thì từ tháng 7 đến nay đã rơi xuống dưới 1 tỷ USD. Tháng 11, lần đầu tiên kể từ đầu năm, xuất khẩu thủy sản giảm (trên 14%) so với cùng kỳ năm 2021.

Tình trạng xuất khẩu giảm khiến hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành tăng chậm lại. Nếu như doanh thu xuất khẩu 8 tháng đầu năm của Công ty CP Vĩnh Hoàn tăng tới 75,3% so với cùng kỳ năm 2021, thì tính chung 11 tháng chỉ còn tăng 58%, đạt 12.788 tỷ đồng.

Kết thúc 11 tháng đầu năm, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FIMEX) ghi nhận 215 triệu USD doanh thu, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn nhiều nếu so với mức tăng 21,8% trong 8 tháng đầu năm (đạt 161,9 triệu USD).

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FIMEX cho biết, không ít doanh nghiệp thủy sản đang đối mặt với tình trạng bị đối tác hoãn đơn hàng đã ký kết, thậm chí hủy một số đơn hàng, chậm trao đổi kế hoạch kinh doanh năm 2023. Không riêng thủy sản, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực khác như gỗ, giày da, may mặc… cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Nếu như năm 2022, hoạt động xuất khẩu về đích với cái kết đẹp thì năm 2023, thách thức từ bối cảnh toàn cầu đang đặt các doanh nghiệp xuất khẩu ở tình thế chông chênh trong xây dựng kế hoạch phát triển.

Báo cáo kinh tế mới nhất của HSBC cho rằng, dữ liệu xuất khẩu tháng 11/2022 của Việt Nam rất đáng lưu tâm khi kim ngạch giảm tới 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng đầu tiên trong vòng 2 năm qua, Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm đáng kể về kim ngạch xuất khẩu, do nguyên nhân đến từ khó khăn trên các thị trường toàn cầu.

Tại Hội nghị Reuters NEXT đầu tháng 12/2022, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo, nguy cơ kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại trong năm 2023, dự báo dưới mức 2%.

Trước đó, đầu tháng 10, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 xuống còn 2,7%, so với mức dự báo 2,9% được đưa ra hồi tháng 7, trong bối cảnh áp lực từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá lương thực và năng lượng tăng cao.

IMF dự báo, hơn 1/3 số nền kinh tế toàn cầu có thể suy giảm trong năm 2022 hoặc năm 2023. Hoạt động kinh tế tại các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) bị đình trệ. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga. Trung Quốc phải hứng chịu những gián đoạn liên quan đến đại dịch và sự suy thoái ngày càng sâu sắc của thị trường bất động sản, trong khi đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đang chậm lại. Đây là những khó khăn lớn cho dòng chảy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Theo thống kê, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 11 tháng năm 2022 đạt 101,5 tỷ USD (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021); tiếp đến là Trung Quốc với kim ngạch 53 tỷ USD (tăng 5,7%); xếp thứ ba là EU với 43,5 tỷ USD (tăng 21%). Nếu như năm 2022, hoạt động xuất khẩu về đích với cái kết đẹp thì năm 2023, thách thức từ bối cảnh toàn cầu đang đặt các doanh nghiệp xuất khẩu ở tình thế chông chênh trong xây dựng kế hoạch phát triển. Thách thức được dự báo tăng dần, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phải sáng tạo giải pháp mới có thể trụ vững vị thế bán hàng ra quốc tế.

Chuyên đề