Xuất khẩu “hái quả ngọt”, lên phương án duy trì vị thế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với tốc độ tăng trưởng tích cực của nhiều ngành hàng, Bộ Công Thương dự báo, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ cán mốc 700 tỷ USD vào giữa tháng này, trong đó xuất khẩu (XK) ước đạt 372 - 374 tỷ USD, vượt chỉ tiêu đề ra.
Xuất khẩu thủy sản năm 2022 dự kiến đạt 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021. Ảnh: Lê Tiên
Xuất khẩu thủy sản năm 2022 dự kiến đạt 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều ngành hàng đã “về đích”

Ngành thủy sản vừa tổ chức lễ mừng kỷ lục XK đạt 10 tỷ USD (tính đến hết tháng 11/2022) vào cuối tuần qua. Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đây là mức kỷ lục của ngành thủy sản trong hơn 20 năm xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Trong thành công này, VASEP cho biết, XK tôm đạt mức 4,3 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. XK cá tra vượt 2 tỷ USD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2021 và có thể đạt mức 2,5 tỷ USD trong năm nay… VASEP dự báo, XK thủy sản năm 2022 sẽ đạt 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021.

Là một trong những doanh nghiệp (DN) ngành thủy sản có kim ngạch XK khá, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, cộng dồn 11 tháng, doanh số chung của Công ty đạt 215 triệu USD, bằng 108% so cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả khá tích cực trong bối cảnh đầy trắc trở đối với doanh nghiệp làm hàng XK.

Theo ông Lực, hai năm qua, Công ty chủ động chuyển về thị trường gần nhằm tránh giá tăng do chi phí cước vận chuyển, phát huy lợi thế năng lực chế biến sâu trong bối cảnh nguồn nguyên liệu không dồi dào do tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi. Song song đó, Công ty phát huy một thế mạnh khác là quy trình nuôi tôm bền vững để tăng diện tích nuôi, góp phần giảm giá thành sản phẩm.

Với ngành lúa gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An khẳng định, năm 2022 là năm thành công với ngành. XK tăng cả về số lượng cũng như về giá, nhất là giai đoạn cuối năm. Chắc chắn năm nay, XK gạo đạt 7 triệu tấn với kim ngạch 3,5 tỷ USD.

Với ngành dệt may, tại cuộc họp báo thông tin về Hội nghị tổng kết năm 2022 vừa tổ chức, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, giai đoạn 6 tháng cuối năm, tình hình xuất nhập khẩu ngành dệt may chững lại do chịu ảnh hưởng từ nhiều phía, tuy nhiên, kim ngạch XK dự kiến vẫn giữ mức tăng trưởng tốt, ước đạt 42 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2021…

Với quy mô kim ngạch và tốc độ tăng trưởng vừa qua, Bộ Công Thương cũng như Tổng cục Hải quan dự kiến đến giữa tháng 12, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước cán mốc 700 tỷ USD.

Sẵn sàng các phương án đạt mục tiêu năm 2023

Trước những thông tin tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, thách thức, điểm đáng mừng là DN Việt Nam đã tận dụng được những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA, UKFTA, CPTPP…

Đằng sau kết quả tích cực trên, ông Thành nhấn mạnh, vẫn còn nhiều việc phải làm để DN Việt Nam tăng trưởng XK bền vững. Bởi từ cuối quý III/2022, nhiều khó khăn mới đã xuất hiện trên thị trường khiến tốc độ tăng trưởng XK của nhiều ngành giảm đáng kể.

“Nếu 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng XK khoảng 17 - 18% thì 11 tháng chỉ còn tăng 13 - 14%. Trên thực tế, đơn đặt hàng của nhiều ngành như: dệt may, da giầy, gỗ… giảm mạnh”, ông Thành phân tích.

Theo chuyên gia này, tình trạng thiếu đơn hàng có thể kéo dài sang năm 2023 khi các dự báo cho thấy kinh tế thế giới sẽ suy giảm đáng kể, trong đó có nhiều đối tác nhập khẩu lớn của Việt Nam như: Bắc Mỹ, châu Âu…, ảnh hướng đến sản xuất kinh doanh của DN trong nước.

Đó là về ngắn hạn, còn về lâu dài, ông Thành chỉ rõ, câu chuyện nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa XK cần phải được lưu tâm hơn nữa. Để làm được điều này, phải thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nước với việc thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết DN trong nước với DN FDI, thu hút FDI chất lượng…

Từ phía DN, ông Hồ Quốc Lực cho rằng, những khó khăn, thách thức hiện nay sẽ còn kéo dài sang năm 2023. Để hóa giải thách thức này, Công ty đã có những tính toán ngay từ bây giờ với việc lên phương án duy trì thị trường XK cũng như thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trước dự báo kinh tế năm tới có nhiều khó khăn, CEO Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, ngành lúa gạo dự kiến vẫn sẽ có nhiều cơ hội. Để nắm bắt cơ hội này, Trung An cũng như nhiều DN trong ngành tiếp tục sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư