Xử lý nợ xấu vẫn chưa hết vướng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại cuộc họp của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh với các tổ chức tín dụng ngày 15/7, nhiều ý kiến cho rằng quá trình xử lý nợ xấu còn một số vướng mắc, có hiện tượng thiếu thống nhất khi áp dụng giữa các địa phương, bộ, ngành.
Việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các ngân hàng và VAMC còn nhiều khó khăn. Ảnh: Internet
Việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các ngân hàng và VAMC còn nhiều khó khăn. Ảnh: Internet

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) được ban hành, công tác xử lý nợ xấu (XLNX) của hệ thống TCTD hiệu quả hơn và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tổng số nợ xấu được xử lý kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến nay đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả XLNX của hệ thống các TCTD trong giai đoạn từ năm 2012 - 2017, tức trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng). Tỷ trọng nợ xấu xử lý bằng hình thức khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết số 42 đã cao hơn.

Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) Nguyễn Tiến Đông cho biết, tốc độ XLNX tại VAMC tăng 1,5 lần sau khi Nghị quyết 42 ra đời. Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 91.381 tỷ đồng, bằng 60% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến cuối tháng 3/2020.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ các tổ chức tín dụng cho biết, quá trình triển khai Nghị quyết số 42 trên thực tế còn một số vướng mắc, bất cập, có hiện tượng thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất khi áp dụng giữa các địa phương, bộ, ngành liên quan, ảnh hưởng đến tốc độ XLNX của hệ thống các TCTD.

Cụ thể, việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các TCTD, VAMC còn gặp nhiều khó khăn. Việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại Tòa án được kỳ vọng sẽ hỗ trợ xử lý nhanh hơn các khoản nợ tồn đọng, nhưng thực tế hiệu quả lại khiêm tốn khi số lượng các vụ việc xử lý theo hình thức này rất hạn chế.

Chẳng hạn, Ngân hàng Agribank cho biết đã có 11 hồ sơ xin áp dụng thủ tục rút gọn được Tòa án thụ lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa hồ sơ nào được xử lý do Tòa kết luận chưa đủ điều kiện. BIDV có 19 hồ sơ xin áp dụng thủ tục rút gọn được Tòa án thụ lý; trong đó có 6 hồ sơ đang giải quyết, 6 hồ sơ được giải quyết nhưng lại được chuyển sang xét xử theo thủ tục thông thường...

Việc được áp dụng thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ về thuế, phí khi xử lý TSBĐ cũng đang gây khó khăn cho các TCTD. Theo quy định tại Nghị quyết 42, số tiền thu được từ xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ nhưng trên thực tế, các TCTD phản ánh về việc vẫn phải nộp các khoản thuế trước khi thực hiện nghĩa vụ ưu tiên thanh toán cho bên nhận bảo đảm là TCTD đã làm giảm số tiền thu hồi nợ của TCTD.

Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Tiến Đông cho rằng, cần sớm luật hóa các quy định về XLNX. Một trong những lý do chính khiến cho việc XLNX theo Nghị quyết 42 hiệu quả chưa cao do các chế tài chưa rõ ràng, nhiều quy định rất khó thực thi do thiếu đồng bộ với quy định tại nhiều Luật, trong đó có Luật các TCTD.

Chuyên đề