Xây môi trường làm việc tốt để hút nhân tài

(BĐT) - Một mùa xuân mới đã đến với kỳ vọng về những bước phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và ước vọng về sự thịnh vượng của đất nước. 
Khi công việc và cuộc sống ổn định thì hầu hết mọi người sẽ bắt đầu quan tâm và có hành động cụ thể hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ảnh: Thôi Chấn Sơn
Khi công việc và cuộc sống ổn định thì hầu hết mọi người sẽ bắt đầu quan tâm và có hành động cụ thể hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ảnh: Thôi Chấn Sơn

Trò chuyện với Báo Đấu thầu, TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, nhiều nhân tài Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn hướng về quê hương với mong muốn được chung tay cho sự phát triển của nước nhà, song lựa chọn về hay ở vẫn cần phải xem xét một cách duy lý chứ không đơn thuần là ước muốn chủ quan.

Từng làm nghiên cứu tại nước ngoài và trở về Việt Nam công tác, theo ông, đâu là những lực hút khiến người Việt Nam muốn về quê hương làm việc?

Với bản thân tôi, tôi chọn về nước làm việc là do nhận thấy cơ hội làm việc và phát triển bản thân ở Việt Nam sẽ tốt hơn là ở lại nước ngoài. Khi phân vân giữa chuyện về hay ở, các yếu tố được xem xét là thu nhập, cơ hội thăng tiến, vị trí trong xã hội, đóng góp trong xã hội. Tổng hòa các yếu tố này sẽ ra một kết quả phù hợp cho bản thân từng người. Tôi tin là nhiều người cũng có cùng lý do như tôi khi chọn lựa về nước làm việc thay vì ở nước ngoài.

Trước hết là thu nhập, đây là yếu tố đầu tiên quyết định việc xem xét có về hay không. Nếu về nước mà thu nhập không đủ sống thì hẳn là không ai muốn về, thậm chí thu nhập khi về nước phải cao hơn thu nhập ở nước ngoài để bù đắp những phần có thể thiệt thòi hơn như dịch vụ y tế, giáo dục, môi trường sống.

Tiếp đó là cơ hội thăng tiến, những người có năng lực tốt càng mong muốn có cơ hội thăng tiến nhiều hơn, đồng thời được thi thố tài năng trong một môi trường và không gian cạnh tranh bình đẳng. Về chuyện hô hào, động viên du học sinh, nghiên cứu sinh và người giỏi ở nước ngoài về nước làm việc, quan sát của tôi cho thấy, điều này chỉ đóng góp một phần không đáng kể.

Xây môi trường làm việc tốt để hút nhân tài ảnh 1
TS. Huỳnh Thế Du
Trong khi nhiều người Việt Nam tìm đường ra nước ngoài phát triển nghề nghiệp, nhiều người nước ngoài lại chọn làm việc ở Việt Nam. Điều này có gì mâu thuẫn không, thưa ông?

Không có gì mâu thuẫn ở câu chuyện này bởi đó là quá trình sàng lọc tự nhiên của xã hội, quốc gia nào cũng có tình trạng này. Bạn có cơ hội ở nước ngoài tốt hơn thì bạn đi, còn người ở nước ngoài thấy cơ hội của họ ở nước bạn tốt hơn thì họ đến. Có thể số người Việt Nam ở Hàn Quốc nhiều hơn số người Hàn Quốc ở Việt Nam, điều này cũng chỉ phần nào nói lên việc nhiều người Việt Nam tìm thấy cơ hội làm việc ở Hàn Quốc tốt hơn. Tình trạng ở các nước khác cũng tương tự như vậy. 

Gắn bó với cộng đồng du học sinh Việt Nam trong nhiều năm, theo ông, ở thời điểm này, các bạn du học sinh có muốn quay về không?

Không chỉ du học sinh, các nghiên cứu sinh mà hầu như tất cả mọi người Việt Nam ở nước ngoài đều có suy nghĩ quay trở về. Khi hỏi bất cứ ai rằng họ có nghĩ về sự phát triển của Việt Nam không, có muốn đóng góp cho quê hương hay không thì tôi tin là hầu hết các du học sinh đều trả lời là có. 

Thế nhưng, chuyện về hay ở của du học sinh tùy thuộc vào các chính sách đãi ngộ, cũng như sự minh bạch và rõ ràng trong thu hút đầu tư. Khi vinh quy ai cũng muốn bái tổ, hay nói cách khác khi công việc và cuộc sống ổn định thì hầu hết mọi người sẽ bắt đầu quan tâm và có hành động cụ thể hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. 

Tuy nhiên, quyết định đi - ở vẫn phải quay trở về với bài toán tìm trọng số lợi ích và cơ hội như trên. Điều này cần xem xét một cách duy lý chứ không đơn thuần là ước muốn chủ quan. 

Có nên đặt việc thu hút nhân tài Việt Nam ở các nước trở về quê hương thành chính sách trọng tâm của quốc gia không, thưa ông?

Nên xem xét việc thu hút nhân tài từ khắp thế giới chứ không hẳn là nhân tài của mỗi quốc gia. Cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia hay giữa địa phương là cuộc cạnh tranh thu hút 3 đối tượng cơ bản là doanh nghiệp, người giỏi, người giàu.

Những người có năng lực tốt đều có thể tự lo được cuộc sống của mình và gia đình. Điều họ cần là một môi trường làm việc thuận lợi để có thể thi thố tài năng, chứ không chỉ là những ưu đãi về vật chất. Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cùng với các dòng vốn và dòng hàng hóa, dòng nhân lực đang được dịch chuyển hết sức tự do. Thế nên, về nước hay ở lại nước ngoài của du học sinh Việt Nam là một quá trình tự nhiên và lựa chọn của mỗi người trong các hoàn cảnh khác nhau.

Mặt khác, bên cạnh những yếu tố vật chất, mỗi cá nhân đều muốn khẳng định mình và muốn được nhiều người biết đến với những việc làm có ý nghĩa cho xã hội. Cộng đồng, quê hương, đất nước luôn là những nơi thân thuộc của mỗi người, nên đó là nơi mà mỗi tài năng mong muốn được đóng góp hay được công nhận nhất.

Muốn thu hút họ thì phải xem họ cần gì, mình có khả năng đáp ứng điều gì thì tập trung phát triển yếu tố đó. Thu hút người giỏi và người giàu Việt Nam trở về quê hương hẳn sẽ dễ dàng hơn là thu hút người giỏi và người giàu thế giới đến với Việt Nam. Cách tốt nhất là chúng ta xây dựng một môi trường làm việc thật tốt thì hẳn mọi người sẽ đổ xô đến. Đây cũng là điểm thu hút người tài của các nước như Singapore và Mỹ hiện nay.

Một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng rất thành công trong chiến lược thu hút nhân tài những năm vừa qua là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc. Họ đã áp dụng những chính sách mang tính tổng thể từ cả khía cạnh vật chất và tinh thần, tạo thuận lợi cho người tài được làm việc và phát huy năng lực tối đa. 

Theo ông, Việt Nam có thể cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực để thu hút nhân tài không?

Trước mắt, chưa thể xây dựng cả đất nước Việt Nam thành một địa điểm cạnh tranh để thu hút nhân tài, thay vào đó, có thể tập trung vào một số lĩnh vực hoặc một số địa phương. Xét tổng thể cả quốc gia, Việt Nam khó có thể cạnh tranh với Mỹ hay Singapore, song xét riêng một khía cạnh nào đó thì hoàn toàn có thể cạnh tranh được, từ đó tập trung vào khía cạnh đó để phát triển.

Chẳng hạn, Việt Nam có lợi thế về ngành nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp. Ngay cả trong lĩnh vực có lợi thế này, chúng ta cũng có thể tìm một số phân khúc thị trường mũi nhọn hoặc một số sản phẩm trọng tâm để phát triển, tập trung làm cho năng suất cao hơn, kỹ năng tinh vi, tinh xảo hơn để có thể tăng giá trị cho sản phẩm và tăng giá bán. Nếu làm tốt bài toán thị trường, tăng tính minh bạch thì sản phẩm nông nghiệp có thể cạnh tranh được và từ đó thu hút được nhân tài tốt.

Một số ngành khác mà Việt Nam cũng có lợi thế cạnh tranh và cơ hội tốt như điện tử, dệt may. Nguyên tắc vẫn là tạo điều kiện thuận lợi để một số ngành phát triển.

Liên quan đến vấn đề chọn ngành mũi nhọn cho Việt Nam, tôi nghĩ nên trả lại cho thị trường vai trò chọn lựa này. Thị trường sẽ chứng minh là Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về ngành gì. Đây là bài toán của doanh nghiệp chứ không phải của Nhà nước. Doanh nghiệp rất giỏi việc đánh giá nhu cầu thị trường và năng lực đáp ứng. Từ đó, Nhà nước tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo cơ sở hạ tầng tốt cho ngành đó phát triển.  

Chuyên đề