Cả 2 dự án xây mới cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức đều phải điều chỉnh thiết kế cơ sở do có yêu cầu bổ sung một số hạng mục mới. Ảnh: Lê Tiên |
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Tuấn – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) y tế trọng điểm thuộc Bộ Y tế tại buổi trao đổi trực tiếp với Phóng viên Báo Đấu thầu.
Trước đó, Bộ Xây dựng có Văn bản số 498/BXD-KTXD cho ý kiến về việc thẩm định chi phí đầu tư mới đối với 2 dự án nêu trên, trong đó chỉ ra nhiều bất cập như: trao thầu khi chưa có TMĐT điều chỉnh; điều chỉnh hợp đồng không dựa trên đơn giá trúng thầu; dự toán hạng mục phần ngầm vượt 40 - 50% giá trị hạng mục đã được phê duyệt trong TMĐT...
Trao đổi với Phóng viên Báo Đấu thầu, ông Tuấn cho biết, Ban QLDA đã có văn bản gửi Bộ Y tế giải trình nội dung thẩm định của Bộ Xây dựng về những bất cập trong 2 dự án này.
Vì sao chậm trình dự toán?
Theo ông Tuấn, đây là 2 dự án trọng điểm của Bộ Y tế, quy mô dự án rất lớn, công nghệ hiện đại lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Do đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo Ban QLDA sử dụng nhà thầu tư vấn nước ngoài (Công ty VK – Brussels) lập dự án, thiết kế ý tưởng, TKCS và triển khai thiết kế kỹ thuật (TKKT) phần kiến trúc công trình. Còn phần thiết kế kết cấu và cơ điện công trình do các nhà thầu tư vấn trong nước thực hiện. Bộ cũng chỉ đạo Ban QLDA tổ chức đấu thầu rộng rãi các gói thầu hỗn hợp, bao gồm TKKT, thiết kế bản vẽ thi công, thi công và lắp đặt thiết bị công trình.
Sở dĩ chậm tiến độ, Ban QLDA lý giải, là do trong quá trình thực hiện dự án gặp rất nhiều khó khăn vì quy mô lớn, phải phối kết hợp và hài hòa về giải pháp thiết kế giữa tư vấn nước ngoài và điều kiện của Việt Nam, chuyển đổi thủ tục thẩm định, phê duyệt thiết kế theo quy định của Luật Xây dựng 2014. Các gói thầu thực hiện theo hợp đồng EPC, vừa thiết kế, thẩm định và vừa triển khai thi công, trong khi chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa đơn vị thiết kế trong và ngoài nước, đơn vị thẩm tra, đơn vị thẩm định, cũng như trong áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn châu Âu.
Đại diện Ban QLDA còn cho rằng, trên cơ sở TKKT theo từng hạng mục và giai đoạn được thẩm định, phê duyệt, thì cơ quan thiết kế của tổng thầu mới có thể hoàn chỉnh dự toán để gửi Viện Kinh tế xây dựng thẩm tra. Dự toán xây lắp dựa vào nhiều yếu tố phát sinh trong thực tế thi công đã gây nhiều tranh cãi giữa các bên khi thẩm tra, làm mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, hiện hai dự án đã thi công xong phần thô, đang ở giai đoạn hoàn thiện. Tuy nhiên, do có nhiều yếu tố phát sinh cũng như thời gian thẩm định kéo dài, cả hai dự án sẽ không thể hoàn thành đúng tiến độ như kế hoạch đề ra (cuối năm 2017).
Lý do điều chỉnh dự toán
Lý giải ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng về dự toán TKKT có sau hợp đồng, Ban QLDA cho rằng, do đây là gói thầu EPC, nên dự toán TKKT là sản phẩm của hợp đồng và chỉ có khi hợp đồng đã được ký kết. Căn cứ vào kết quả phê duyệt dự toán xây dựng công trình, giá gói thầu sẽ được cập nhật theo và làm căn cứ để đàm phán, điều chỉnh hợp đồng.
Trong văn bản giải trình, Ban QLDA quả quyết, từ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu rộng rãi, lựa chọn nhà thầu, xác định loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, cho đến thương thảo và ký kết hợp đồng đều thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu. Dự toán của gói thầu được xác định và phê duyệt dựa trên TMĐT của dự án. Giá hợp đồng là giá tổng hợp cho từng hạng mục, còn giá chi tiết được xác định theo các phụ lục hợp đồng trên cơ sở thương thảo lại với các nhà thầu (dựa trên giá dự thầu, dự toán do Bộ Xây dựng thẩm định và Bộ Y tế phê duyệt, dự toán điều chỉnh do Chủ đầu tư phê duyệt). Nội dung này đã được Ban QLDA và nhà thầu thỏa thuận chi tiết trong hợp đồng và các phụ lục theo đúng quy định. Trong thời gian tới, Ban QLDA sẽ tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện lại hợp đồng đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành về hợp đồng xây dựng.
Về việc có hay không điều chỉnh dự toán hạng mục làm tăng, vượt TMĐT, Ban QLDA thừa nhận, trong quá trình triển khai thực hiện, cả 2 dự án đều phải điều chỉnh TKCS do 2 bệnh viện yêu cầu bổ sung một số hạng mục như diện tích lưu trú, trực của bác sĩ nội trú, khu xạ trị (Bệnh viện Việt Đức).
Riêng hạng mục phần ngầm, phương án TKCS ban đầu là cọc khoan nhồi. Tuy nhiên, kết quả khảo sát địa chất ở giai đoạn TKKT cho thấy, địa chất khu vực xây dựng công trình rất phức tạp, nền đất yếu, các lớp địa chất thay đổi, phải hạ cọc ở độ sâu trung bình 55 - 60m. Do đó, đơn vị thiết kế đã đề xuất giải pháp móng cọc bê tông cốt thép đúc sẵn thay cho cọc khoan nhồi để tiết kiệm chi phí và kiểm soát chất lượng tốt hơn. Dự toán phần ngầm của 2 dự án theo kết quả thẩm tra của Viện Kinh tế xây dựng tương đương nhau là 353 tỷ đồng, theo khái toán trong TMĐT là 331 tỷ đồng, tăng 6,6% so với dự toán đã được phê duyệt (chứ không phải tăng 40 - 50% như ý kiến của Bộ Xây dựng). Mặc dù vậy, “việc điều chỉnh TKCS không làm thay đổi TMĐT đã được phê duyệt”, ông Tuấn nhấn mạnh.