Xây lắp cao tốc miền Tây: Những gói thầu “nằm lỳ” vì thiếu cát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều nhà thầu xây lắp cao tốc tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất sốt ruột về tiến độ thi công khi nhiều hạng mục phải chờ cát đắp nên. Trước sự sốt ruột của nhà thầu, các địa phương, chủ đầu tư đang nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn về vật liệu đắp nền, tạo điều kiện để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công và bảo đảm mốc hoàn thành đồng bộ các dự án cao tốc.
Công trường Gói thầu số 1 thuộc Dự án thành phần 3 tại nút giao tuyến cao tốc này với Quốc lộ 61C (xã Tân Thuận, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang). Ảnh: Ngọc Tuấn
Công trường Gói thầu số 1 thuộc Dự án thành phần 3 tại nút giao tuyến cao tốc này với Quốc lộ 61C (xã Tân Thuận, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang). Ảnh: Ngọc Tuấn

Có mặt trên công trường thi công Dự án thành phần (DATP) 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, phóng viên Báo Đấu thầu ghi nhận các nhà thầu đã xây dựng lán trại, tập kết máy móc và thi công đào nền đường công vụ. So với khối lượng trong hợp đồng xây lắp thì sau khoảng 4,5 tháng kể từ ngày khởi công, khối lượng thi công đạt được không đáng kể.

Theo tìm hiểu, điểm công trường trên thuộc Gói thầu số 11 Thi công xây lắp đoạn Km159+500 - đến Km174+000 do Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà - Công ty CP Đầu tư xây lắp Miền Nam - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam đảm nhiệm với giá trị hợp đồng hơn 2.290 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 1.260 ngày. Gói thầu số 11 được khởi công xây dựng đồng loạt với các gói thầu xây lắp khác trên địa bàn 4 địa phương An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ từ ngày 17/6/2023.

Tại công trường, ông Trần Anh Tuấn, Chỉ huy trưởng của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, trở ngại lớn nhất hiện vẫn là khan hiếm nguồn cát nên nhà thầu không thể đẩy nhanh tiến độ thi công. Đối với Gói thầu số 11, theo quyết định phê duyệt dự án, khi triển khai, thực hiện nghiên cứu sử dụng cát tại các mỏ trong tỉnh Sóc Trăng, nhưng đến nay chưa có mỏ cát nào được cấp phép hoạt động. Do thiếu cát nên dù điều kiện thời tiết rất thuận lợi, nhưng nhà thầu chỉ có thể triển khai công tác đào nền và đắp đường công vụ.

Ông Huỳnh Phước Thái, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng (Chủ đầu tư) cho biết, nhu cầu sử dụng cát đắp nền của DATP 4 khoảng 8 triệu m3. Phương án tỉnh Sóc Trăng đưa ra là huy động lượng cát trên trong các năm 2023 (1,5 triệu m3), năm 2024 (4 triệu m3), năm 2025 (2 triệu m3) và năm 2026 (0,5 triệu m3). “Để cải thiện tiến độ, chúng tôi đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh công tác thi công hạng mục ít sử dụng cát đắp nền như công tác đào nền, công tác thi công xây dựng cầu, cống”, ông Thái nói và cho biết thêm, năm 2023, DATP 4 được bố trí 1.530 tỷ đồng, hiện đã giải ngân hơn 939,830 tỷ đồng, tương đương 61% kế hoạch. Ban Quản lý dự án 2 đang tích cực phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng thực hiện các thủ tục giao mỏ cát cho các nhà thầu theo cơ chế đặc thù.

Cũng thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, DATP 3 do Sở Giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang làm Chủ đầu tư đang gặp khó khăn tương tự. Tại điểm công trường nút giao tuyến cao tốc này với Quốc lộ 61C (xã Tân Thuận, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam cũng chỉ mới đóng cọc nhồi thi công cầu vượt, đào khuôn đường và làm đường công vụ.

Ông Lê Thanh Việt, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang cho biết, DATP 3 có 2 gói thầu xây lắp. Theo đó, Gói thầu số 1 đoạn từ Km94+400 đến KM113+200 đã khởi công vào tháng 6/2023 và đang gặp khó về nguồn cát đắp nền. Vừa qua, tỉnh An Giang có quyết định phê duyệt danh mục khu vực khoáng sản cát sông phục vụ nguồn vật liệu cho các dự án cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, giao 2 mỏ cát cho các DATP 2 và 3 thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với trữ lượng dự kiến khoảng 7,5 triệu m3 (mỗi DATP 3,75 triệu m3). Chủ đầu tư đang phấn đấu hoàn thành các thủ tục trong năm 2023 để kịp thời hạn áp dụng cơ chế đặc thù. Đầu tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Hậu Giang cũng làm việc với tỉnh Vĩnh Long để địa phương này hỗ trợ việc cung cấp cát cho DATP 3.

Để giải quyết khó khăn thiếu cát đắp nền DATP 4, tỉnh Sóc Trăng đang xem xét bổ sung 7 mỏ cát vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án 2 cũng kiến nghị cho phép sử dụng nguồn cát thương mại. Theo đó, trong thời gian chờ hoàn tất các thủ tục liên quan đến mỏ cát (dự kiến cuối năm 2023), Sóc Trăng xem xét cho phép nhà thầu được sử dụng cát thương mại từ các nguồn hợp pháp trên thị trường với khối lượng dự kiến sử dụng 77 nghìn m3.

Môt số nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông DATP đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau cho biết, tình hình cung cấp cát đã bớt căng thẳng khi nhà thầu được giao các mỏ cát ở Đồng Tháp. Tuy nhiên, nhà thầu mong các cơ quan hữu trách có biện pháp ổn định lâu dài nguồn cung cát đắp nền, tạo điều kiện cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Chuyên đề