Xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025: Cân nhắc chỉ định một số loại gói thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa hoàn thiện hồ sơ đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đề xuất chỉ định thầu một số gói thầu tư vấn, gói thầu di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ giải phóng mặt bằng.
Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Lê Tiên
Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Lê Tiên

Bộ GTVT cho rằng, để hoàn thành mục tiêu “đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, đòi hỏi cần có đột phá về cơ chế, chính sách cho đầu tư phát triển đường bộ cao tốc.

Để tháo gỡ vướng mắc trong áp dụng quy định của pháp luật vào thực tiễn đầu tư phát triển các dự án đường bộ cao tốc, Bộ GTVT đề xuất xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, đề xuất cho phép thí điểm áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn lập dự án, tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, các gói thầu thực hiện công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ giải phóng mặt bằng.

Bộ GTVT phân tích, đối với các gói thầu tư vấn, trường hợp đấu thầu rộng rãi thông thường thực hiện theo nhiều khâu, mất thời gian ít nhất là 60 ngày (nhiều trường hợp phải kéo dài 3 - 4 tháng, thậm chí phải hủy thầu để đấu thầu lại). Trong khi đó, nếu chỉ định thầu chỉ mất khoảng 7 ngày (theo quy trình rút gọn) hoặc 20 ngày (theo quy trình thông thường). Do vậy, khi áp dụng chỉ định thầu sẽ rút ngắn đáng kể thời gian lựa chọn nhà thầu.

Bộ GTVT nhấn mạnh, việc chỉ định thầu không phát sinh tình huống đấu thầu; chủ đầu tư có nghĩa vụ đánh giá kỹ lưỡng, lựa chọn tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín, đảm bảo tiến độ, chất lượng thực hiện hợp đồng, từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án. Việc áp dụng hình thức chỉ định thầu có thể giảm tính cạnh tranh so với đấu thầu rộng rãi, tuy nhiên, số lượng các gói thầu tư vấn lập dự án, tư vấn thiết kế kỹ thuật đường bộ cao tốc là không nhiều...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), việc áp dụng chỉ định thầu sẽ làm giảm tính cạnh tranh so với đấu thầu rộng rãi, không khuyến khích thị trường tư vấn trong nước phát triển và có thể dẫn đến cơ chế xin - cho.

Để rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu tư vấn, Bộ KH&ĐT đề nghị nghiên cứu đề xuất áp dụng 2 phương án. Theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) (Điều 57, 58), việc lựa chọn nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, tư vấn giám sát thi công là trách nhiệm của doanh nghiệp dự án PPP. Do đó, đối với dự án dự kiến đầu tư theo phương thức PPP, đề nghị xác định cụ thể các hoạt động thuộc trách nhiệm của Nhà nước dự kiến được áp dụng Nghị quyết, không áp dụng đối với các hoạt động thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp dự án PPP.

Đối với dự án dự kiến sử dụng vốn đầu tư công, đề nghị xem xét áp dụng cơ chế đấu thầu từ sớm. Theo đó, việc lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế, lập dự toán được thực hiện ngay từ khi trình, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi (chỉ ký kết hợp đồng sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt); việc lựa chọn nhà thầu tư vấn giám sát được thực hiện ngay sau khi dự án đầu tư được phê duyệt mà không cần phải chờ đến khi lựa chọn được nhà thầu xây lắp...

Trường hợp được Chính phủ cho phép áp dụng chỉ định nhà thầu tư vấn như đề xuất, đề nghị Bộ GTVT lưu ý nghiên cứu thêm về tỷ lệ tiết kiệm để tránh thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Bởi, các dự án đường bộ cao tốc hầu hết là các dự án nhóm A (từ 2.300 tỷ đồng đến 10.000 tỷ đồng) và các dự án quan trọng quốc gia, theo đó các gói thầu tư vấn của các dự án loại này có giá trị rất lớn (phụ thuộc vào chi phí xây dựng và thiết bị của từng dự án và vượt xa hạn mức chỉ định thầu tư vấn theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP là 500 triệu đồng), Bộ KH&ĐT khuyến nghị.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư