Xây dựng các kịch bản ứng phó Covid-19, EVNNPT quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu kép

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và trải dài trên cả nước, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã xây dựng các kịch bản ứng phó nhằm đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng và thị trường điện Việt Nam. Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú về vấn đề này.

Thưa ông, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và trải dài trên cả nước, Tổng công ty đã có những chỉ đạo gì trước đợt bùng phát trở lại dịch bệnh này? Kinh nghiệm nào được EVNNPT rút ra từ những lần ứng phó với dịch COVID-19 trước đây?

Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú

Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú

Ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát tại nước ta vào thời điểm đầu năm 2020, Lãnh đạo EVNNPT đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, quán triệt đến tất cả các đơn vị trực thuộc cũng như người lao động phải tuyệt đối chấp hành nghiêm túc các chủ trương của Chính phủ, địa phương, các chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế của EVN và EVNNPT nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn cho CBCNV để thực hiện mục tiêu kép “ vừa phóng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo vận hành an toàn và các hoạt động sản xuất của EVNNPT”

Ngoài các đợt dịch bùng phát mạnh tại các địa phương, trong các thời điểm dịch tạm lắng xuống, EVNNPT vẫn có các văn bản yêu cầu, nhắc nhở các đơn vị tuyệt đối không được phép chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh. Do vậy, đến trước khi đợt dịch thứ 4 diễn ra, có thể nói toàn EVNNPT vẫn luôn trong trạng thái chủ động, tích cực, sẵn sàng đối phó khi dịch bệnh xuất hiện. Cuối tháng 4/2021, trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các nước láng giềng, có nguy cơ lây lan vào nước ta và phát triển trong cộng đồng, EVNNPT đã ban hành 2 văn bản chỉ đạo liên tiếp trong vòng 5 ngày chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm soát, sẵn sàng đối phó dịch bệnh, các đơn vị quản lý vận hành và đang triển khai đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện tại khu vực biên giới đặc biệt lưu ý, rà soát, chuẩn bị phương án nghỉ tập trung sau ca làm việc đồng thời sẵn sàng đối phó kịch bản có CBCNV bị mắc dịch, bảo đảm an toàn cho người lao động và các hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Trong hơn một năm thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, EVNNPT đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu, trong đó có 03 kinh nghiệm quan trọng như sau:

Thứ nhất là, kinh nghiệm đầu tiên và quan trọng nhất, quán triệt tới toàn thể người lao động trong EVNNPT phải nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối chấp hành nghiêm túc các chủ trương của Chính phủ, địa phương, các chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế của EVN và EVNNPT về công tác phòng chống dịch bệnh.

Thứ hai là, phải chủ động xây dựng chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó với mọi kịch bản, tình huống có thể của dịch bệnh.

Các đơn vị đều được yêu cầu xây dựng các kịch bản cụ thể. Ví dụ đối với các Công ty Truyền tải điện có 6 kịch bản được tính tới như sau:

Kịch bản 1 là tình huống lãnh đạo Công ty; lãnh đạo Văn phòng và các phòng chức năng thực hiện cách ly theo quy định.

Kịch bản 2 là tình huống toàn bộ lãnh đạo phòng điều độ thực hiện cách ly theo quy định.

Kịch bản 3 là tình huống toàn bộ lãnh đạo Công ty, cán bộ công nhân viên của Văn phòng và các phòng chức năng phải thực hiện cách ly theo quy định.

Kịch bản 4 là tình huống toàn bộ nhân viên trực ban vận hành B0x phải nghỉ việc và thực hiện cách ly theo quy định.

Kịch bản 5, bao gồm 2 mức. Mức 1 là tình huống có từ 3 đến 15 trạm biến áp trong khu vực cùng thiếu dưới 50% quân số do phải nghỉ việc để thực hiện cách ly theo quy định. Mức 2 là tình huống có từ 3 đến 15 trạm biến áp trong khu vực cùng thiếu từ 50% quân số trở lên do phải nghỉ việc để thực hiện cách ly theo quy định.

Kịch bản 6 được xây dựng 2 mức. Mức 1 là tình huống có từ 3 đến 10 đội truyền tải điện trong khu vực cùng thiếu dưới 50% quân số do phải nghỉ việc để thực hiện cách ly theo quy định. Mức 2 là tình huống có từ 3 đến 10 đội truyền tải điện trong khu vực cùng thiếu từ 50% quân số trở lên do phải nghỉ việc để thực hiện cách ly theo quy định.

Đối với các cơ sở trực tiếp sản xuất, phải duy trì liên tục công việc 24/7 như phòng điều độ, trạm biến áp, tổ thao tác lưu động, v.v.., ngoài việc tổ chức cách ly, nghỉ tập trung sau ca làm việc, các đơn vị phải chuẩn bị phương án huy động, bố trí nhân sự thay thế khi có các trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm bệnh, cụ thể:

Trưởng/phó các Trạm biến áp, Trung tâm vận hành, Đội vận hành sẵn sàng tiếp nhận vai trò Trực chính, Trưởng kíp hoặc trực phụ vận hành trong trường hợp phát hiện có nhân viên của trạm có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh.

Các Truyền tải điện khu vực phân công cán bộ phòng Kỹ thuật (có thể cán bộ phòng kế hoạch - vật tư, tổng hợp đã từng quản lý vận hành trạm biến áp) của Truyền tải điện khu vực tìm hiểu kỹ thiết bị tại các trạm biến áp do đơn vị quản lý để sẵn sàng dự phòng và tiếp nhận ca trực trong trường hợp các trạm biến áp thiếu lực lượng trực quản lý vận hành.

Các Công ty Truyền tải điện giao nhiệm vụ cho cán bộ Phòng Kỹ thuật Công ty (theo phân công theo dõi, quản lý các khu vực trạm biến áp) nắm kỹ lại thiết bị tại các trạm biến áp để sẵn sàng dự phòng và tiếp nhận ca trực trong trường hợp các trạm biến áp hoặc Trực ban vận hành B0x thiếu lực lượng trực quản lý vận hành.

Trưởng/Phó phòng Điều độ tại các Công ty Truyền tải điện sẵn sàng tiếp nhận ca trực ban vận hành B0x trong trường hợp nhân viên B0x biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh.

Rà soát và tổ chức đào tạo lại các kỹ sư điện đã qua trực vận hành trạm biến áp, trực ban vận hành B0x hiện đang công tác tại các phòng thuộc khối Cơ quan Công ty truyền tải điện để bổ sung cho phòng Điều độ khi thiếu hụt lực lượng trực ban vận hành B0x.

Các Phòng Tổ chức và Nhân sự, Phòng Kỹ thuật, Phòng Viễn thông và Công nghệ thông tin, Phòng Điều độ, Phòng An toàn tổ chức kiểm tra chức danh vận hành cho cán bộ kỹ thuật các Truyền tải điện, trực ban B0x để đề xuất công nhận chức danh vận hành dự phòng cho các ca trực trong các trường hợp khẩn cấp.

Các Công ty Truyền tải điện quyết định cử cán bộ kỹ thuật thực hiện chức danh vận hành sau khi đã được kiểm tra để thay thế trong trường hợp khẩn cấp.

Lập danh sách và lên phương án điều động lực lượng vận hành từ các trạm biến áp trong đơn vị tăng cường cho các trạm biến áp khi bị thiếu hụt lao động.

Kinh nghiện thứ 3 là khi có tình huống dịch bệnh bùng phát ở địa phương, các đơn vị phải giữ bình tĩnh để triển khai các phương án theo kịch bản đã được chuẩn bị đồng thời đưa ra các chỉ đạo, quyết định phù hợp. Đây là kinh nghiệm mà EVNNPT rút ra sau các đợt bùng phát dịch thứ nhất tại Vĩnh Phúc và đợt thứ hai tại Đà Nẵng và vừa qua là tại Hải Dương. Mặc dù diễn biến dịch tại địa phương rất phức tạp, số ca lây nhiễm cộng đồng liên tục tăng cao, tuy nhiên, nhờ công tác chuẩn bị và ứng phó tốt, người lao động của EVNNPT trên địa bàn đều không bị nhiễm bệnh, đồng thời duy trì tốt các hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị.

EVNNPT đã liên tục chỉ đạo các đơn vị quán triệt tới toàn thể người lao động tuyệt đối chấp hành nghiêm túc các chủ trương của Chính phủ, địa phương, các chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế

EVNNPT đã liên tục chỉ đạo các đơn vị quán triệt tới toàn thể người lao động tuyệt đối chấp hành nghiêm túc các chủ trương của Chính phủ, địa phương, các chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế

Trong các đợt COVID-19 trước, EVNNPT đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch nên không có trường hợp nào bị lây nhiễm, luôn đảm bảo đủ lực lượng quản lý vận hành. Tuy nhiên chính điều đó dễ dẫn đến tư tưởng chủ quan. Vậy công tác phòng chống dịch COVID-19 đợt này, EVNNPT có chỉ đạo gì mới để mỗi CBCNV không được phép chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm?

Cho tới nay, EVNNPT chưa ghi nhận trường hợp CBCNV bị nhiễm bệnh COVID-19. Các trường hợp có tiếp xúc với người nhiễm bệnh (F1) hoặc người nghi nhiễm (F2, F3, v.v..) đều được được cách ly tại các cơ sở y tế hoặc tự cách ly tại nhà theo đúng quy định. Để tránh tư tưởng chủ quan, trong thời gian qua, EVNNPT đã liên tục chỉ đạo, nhắc nhở các đơn vị quán triệt tới toàn thể người lao động luôn đề cao cảnh giác, tuyệt đối chấp hành nghiêm túc các chủ trương của Chính phủ, địa phương, các chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế của EVN và EVNNPT.

Trong công tác phòng chống dịch COVID-19 đợt này, ngoài các chỉ đạo từ trước tới nay, một số giải pháp mới đã và đang được triển khai, cụ thể như sau:

Huy động thêm vai trò của Công đoàn, Đoàn thanh niên, Nữ công trong công tác động viên CBCNV tích cực thực hiện các quy định và biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Sử dụng tối đa những ứng dụng của khoa học, công nghệ, tự động hóa trong công tác quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện và khử khuẩn tại các nơi làm việc.

Chuyển phần lớn các cuộc họp sang họp trực tuyến qua hội nghị truyền hình, Zoom Meeting, Microsoft Teams…

Mới đây Đảng ủy EVNNPT đã ban hành văn bản số 99-CV/ĐU ngày 05/5/2021 về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, điều đó khẳng định quyết tâm của cả hệ thống chính trị của EVNNPT để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Đối với các lực lượng vận hành đường dây, trạm biến áp, Tổng công ty có lưu ý gì? Đặc biệt trong bối cảnh đang mùa nắng nóng, nhu cầu truyền tải điện tăng cao?

Mùa nắng nóng, nhu cầu truyền tải điện tăng cao sẽ là áp lực lớn đối với lực lượng vận hành trạm biến áp và đường dây khi các thiết bị bị đầy tải, quá tải, nguy cơ sự cố cao. Chính vì vậy việc đảm bảo đủ lực lượng vận hành là tối cần thiết. Do vậy EVNNPT đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị phải tuyệt đối thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch và chuẩn bị sẵn nhân lực cho các tình huống theo các kịch bản nêu trên.

Ngoài ra để giảm tải công việc cho người lao động, EVNNPT đã Áp dụng triệt để các ứng dụng khoa học công nghệ để kiểm tra, giám sát, giám sát trực tuyến đảm bảo lưới điện vận hành an toàn như UAV, Camera, thiết bị giám sát MBA, Kháng điện…

Phun khử khuẩn toàn bộ khu vực trạm biến áp, nhất là khu nhà điều hành, nhà nghỉ ca trong trường hợp bị nhiễm COVID

Phun khử khuẩn toàn bộ khu vực trạm biến áp, nhất là khu nhà điều hành, nhà nghỉ ca trong trường hợp bị nhiễm COVID

Trong trường hợp các TBA, đường dây, công trường xây dựng quan trọng có trường hợp bị nhiễm COVID-19 thì EVNNPT xây dựng kịch bản nào để ứng phó với tình huống này?

Tuy đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch nhưng với những thay đổi khó lường của dịch bệnh, nhất là trong những ngày qua dịch bệnh đã bùng phát trở lại tại nhiều địa phương thì nguy cơ các trạm biến áp, các đội đường dây, các công trường xây dựng có người bị nhiễm Covid-19 là rất lớn. Để ứng phó với tình huống này, ngoài những kịch bản nêu trên, EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kịch bản cụ thể như sau:

Đối với vận hành trạm biến áp: Khi có ca bệnh thì ngoài việc người bị nhiễm bệnh phải tới cơ sở điều trị thì gần như toàn bộ lực lượng tại trạm này bị cách ly theo quy định. Do vậy đơn vị quản lý trạm biến áp này cần phải:

Báo cáo ngay cho chính quyền địa phương sở tại và đơn vị cấp trên trực tiếp về tình hình ca bệnh cũng như những người có nguy cơ do tiếp xúc với ca bệnh.

Phun khử khuẩn toàn bộ khu vực trạm biến áp, nhất là khu nhà điều hành, nhà nghỉ ca.

Điều động lực lượng đến trực vận hành, thay thế cho những người đã được đưa đi điều trị hoặc cách ly.

Đối với những trạm biến áp đã được chuyển sang chế độ bán người trực hoặc không người trực thì sử dụng triệt để việc giám sát, điều khiển từ xa, lực lượng vận hành chỉ cần tới trạm khi xử lý những bất thường thiết bị nếu có.

Đối với các Đội truyền tải điện, các công trường xây dựng thì việc khai báo, khử khuẩn cũng được xử lý tương tự như trên. Do lực lượng quản lý đường dây không phải làm theo ca và cũng không phải thường xuyên có mặt tại hiện trường nên việc ứng phó cũng dễ hơn. Trong trường hợp này các đơn vị cử lực lượng thay thế để kiểm tra theo định kỳ và sẵn sàng xử lý sự cố nếu có theo yêu cầu của các cấp điều độ.

Các công trường xây dựng thì tùy từng mức độ cần thiết, EVNNPT sẽ có những chỉ đạo xử lý phù hợp. Nếu tiến độ của dự án không quá cấp bách thì chỉ đạo các ban quản lý dự án cho tạm thời dừng thi công. Đối với những dự án cấp bách thì các đơn vị quản lý dự án cùng các nhà thầu xây lắp sau khi khử khuẩn toàn bộ khu vực sẽ điều động lực lượng đến thay thế để đảm bảo tiến độ.

Bên cạnh đó, nhiều dự án lưới điện truyền tải đang trong giai đoạn nước rút, EVNNPT có chỉ đạo gì để đảm bảo song hành 2 nhiệm vụ vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo đầu tư xây dựng?

Thực hiện nhiệm vụ được giao, mặc dù bị tác động không nhỏ bởi dịch Covid-19 nhưng với tinh thần khẩn trương, EVNNPT tập trung mọi nguồn lực và giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa công suất nguồn điện. EVNNPT đã tập trung chỉ đạo “thực hiện nhiệm vụ kép” vừa chống dịch, vừa đảm bảo đầu tư xây dựng để hoàn thành đóng điện 72 dự án, khởi công 47 dự án trong năm 2021.

Song song với các kịch bản đã xây dựng, EVNNPT cũng đã ban hành nhiều Văn bản để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, yêu cầu tuân thủ và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, của ngành y tế, chính quyền địa phương liên quan để các đơn vị chủ động đôn đốc và kiểm soát chặt chẽ các nhà thầu thi công tại công trường, tránh tình trạng và hiện tượng chủ quan, lơ là và mất cảnh giác trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

EVNNPT trực tiếp chỉ đạo xuyên suốt quá trình triển khai dự án, trong một số trường hợp cụ thể trực tiếp tham gia để điều hành, từ công tác điều phối cung cấp VTTB, các thủ tục thu xếp vốn đến điều hành trên công trường và huy động các lực lượng nội bộ trong EVNNPT. Giám đốc các Ban quản lý dự án phải trực tiếp điều hành thường xuyên tại công trường trong giai đoạn nước rút, để huy động tối đa và điều phối nguồn lực các đơn vị tham gia công trường do lãnh đạo cao nhất chỉ huy thực hiện.

EVNNPT đã tích cực nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp ứng dụng KHCN mới với mục tiêu tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động và đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện

EVNNPT đã tích cực nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp ứng dụng KHCN mới với mục tiêu tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động và đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện

Có ý kiến cho rằng COVID-19 tuy là thách thức nhưng là cơ hội để mỗi đơn vị mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ hơn nhằm giảm thiểu lây lan dịch bệnh. Vậy đơn vị đã và đang ứng dụng KHCN nào trong sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng?

Trong các năm qua, EVNNPT đã tích cực nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp ứng dụng KHCN mới với mục tiêu tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động và đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện.

Trong các giải pháp ứng dụng KHCN đã triển khai, có nhiều giải pháp giúp EVNNPT điều hành sản xuất kinh doanh liên tục, đảm bảo tiến độ các công trình đầu tư xây dựng, đảm bảo vận hành àn toàn hệ thống trong thời gian covid diễn biến phức tạp, tránh tiếp xúc, lây nhiễm dịch bệnh, đặc biết đối với lực lượng vận hành hệ thống điện.

Cụ thể, trong vận hành lưới điện truyền tải, EVNNPT triển khai trạm biến áp không người trực vận hành; triển khai ứng dụng thiết bị bay kiểm tra quản lý vận hành lưới điện; ứng dụng camera giám sát quản lý vận hành đường dây; ứng dụng UAV phun thuốc tiệt trùng các trung tâm vận hành.

Còn trong quản lý điều hành EVNNPT thực hiện ứng dụng camera giám sát thi công các công trình xây dựng; họp qua hội nghị truyền hình đến tất cả các đơn vị cấp 4, các đơn vị giám sát, điều hành thi công công trình.

Chuyên đề