Xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng sẽ tiếp tục là những động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên |
Tại báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam công bố mới đây, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý II/2023 sẽ đạt 5,1%, cao hơn đáng kể mức tăng 4,1% trong quý II/2023. Standard Chartered giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 ở mức 5,4%.
Theo Standard Chartered, dữ liệu tháng 9 có thể sẽ cải thiện đôi chút so với tháng 8 nhờ doanh số bán lẻ. Tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 9 được kỳ vọng sẽ ở mức 8,2% so với cùng kỳ, xuất khẩu được dự đoán giảm 6,2% so với cùng kỳ, nhập khẩu giảm 7,0% và tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng lên 3,2%. Thặng dư thương mại có thể thu hẹp xuống 1,3 tỷ USD. Việt Nam đã đón khoảng 7,8 triệu du khách nước ngoài trong 8 tháng đầu năm 2023, gần đạt mục tiêu cả năm là 8 triệu du khách. Tuy nhiên, quá trình hồi phục của nền kinh tế vẫn cần được theo dõi và đánh giá khi hoạt động thương mại vẫn đang suy giảm, hoạt động sản xuất có thể tiếp tục mờ nhạt trong một thời gian và triển vọng phục hồi FDI vẫn chưa rõ ràng.
Ngân hàng UOB (Singapore) cũng vừa công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế quý IV/2023 với dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2023 là 5,2% và 6% cho năm 2024. Trong đó, dự kiến mức tăng trưởng GDP quý II/2023 là 5,6% và quý IV/2023 là 7,6%.
UOB cho rằng, trong thời gian còn lại của năm, nền kinh tế có thể sẽ gặp nhiều thách thức vì chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với PMI chung của khu vực ASEAN, xuất khẩu đã giảm 9 trong 10 tháng qua, nhập khẩu giảm 10 tháng liên tiếp. Nhu cầu bên ngoài suy yếu được thể hiện qua xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ (thị trường xuất khẩu lớn nhất) đã giảm 9 trong 10 tháng qua.
Trong khi đó, UOB nhận định nhu cầu trong nước tương đối lạc quan hơn. Doanh số bán lẻ tiếp tục thể hiện tốt, với tổng thương mại bán lẻ tháng 8/2023 tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách du lịch đến Việt Nam đã tăng tốc và vào cuối năm 2023, lượng khách đến có thể phục hồi ít nhất 2/3 mức được ghi nhận năm 2019.
Tuy nhiên, với việc lĩnh vực dịch vụ chỉ bù đắp một phần cho tốc độ tăng trưởng chậm trong lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất, UOB nhận định, tăng trưởng GDP thực tế trong quý III/2023 chưa thể mang lại sự lạc quan mạnh mẽ.
Về các các yếu tố rủi ro, UOB cho rằng cần phải theo dõi sát sao xung đột Nga - Ukraine và tác động đối với giá năng lượng, lương thực và hàng hóa; sự thay đổi và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; tốc độ phục hồi của kinh tế Trung Quốc.
Tăng trưởng GDP quý III/2023 được dự báo cao hơn đáng kể so với quý II/2023. Ảnh: Lê Tiên |
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng vừa cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay ở mức 4,9% và dự kiến tăng lên 5,9% vào năm 2024. Theo OECD, Việt Nam cần thực hiện những cải cách sâu hơn. Cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh doanh, mở rộng hệ thống lương hưu và phúc lợi là cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định: “Gần 3/4 chặng đường đã đi qua cho thấy tăng trưởng kinh tế năm nay rất khó đạt được mục tiêu trên 6%, đặc biệt trong những tháng còn lại của năm nay, môi trường kinh tế quốc tế và trong nước còn nhiều trở ngại lớn. Đà tăng trưởng thấp của năm nay và những khó khăn kinh tế chưa được giải quyết sẽ đặt ra thách thức rất lớn cho năm 2024”.
Do đó, theo ông Thành, cần xem xét lại việc thực hiện các chính sách thúc đẩy kinh tế từ đầu năm đến nay, đặc biệt là những giải pháp kích cầu trong nước, hỗ trợ phát triển thị trường nước ngoài. Cần tiếp tục thực hiện các giải pháp này một cách rốt ráo, hiệu quả. Bên cạnh các giải pháp đã thực hiện trong năm 2023, sang năm 2024, cần nắm bắt tốt hơn các cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài và phát triển thị trường xuất khẩu, có giải pháp hiệu quả hơn giải quyết các vướng mắc trên thị trường bất động sản. “Làm tốt và đồng bộ thì có thể kỳ vọng nền kinh tế sẽ khởi sắc tích cực từ quý II/2024. Trong bối cảnh đó, việc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 cũng cần cân nhắc ở mức vừa phải, có tính đến các biến động khó lường của kinh tế trong và ngoài nước”, ông Thành nói.
Tổng thương mại bán lẻ tháng 8/2023 tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách du lịch đến Việt Nam đã tăng tốc và vào cuối năm 2023, lượng khách đến có thể phục hồi ít nhất 2/3 mức được ghi nhận năm 2019.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chịu tác động lớn từ sự trì trệ của kinh tế thế giới nên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt mức 5 - 5,5% trong năm nay, khoảng 6% năm 2024 và vươn lên mức 6,5% năm 2025. Dù vậy, nếu phát huy tốt các động lực cốt lõi như đầu tư công, đầu tư tư nhân, xuất khẩu ròng, tiêu dùng trong nước thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức cao hơn.
Xem xét từ các động lực hiện hữu, ông Lực cho rằng, về phía cung, lĩnh vực xây dựng và công nghiệp tăng trưởng rất chậm, trong đó có phần nguyên nhân do xuất khẩu giảm. Về phía cầu, do nhập khẩu giảm nhanh và mạnh hơn xuất khẩu nên thặng dư thương mại tốt, đóng góp tích cực cho tăng trưởng. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là đầu tư và tiêu dùng tăng thấp.
Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Trong đó, đặc biệt thúc đẩy đầu tư tư nhân vốn chỉ tăng được dưới 2% tính từ đầu năm đến nay. Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, với các nền kinh tế đang phát triển, thêm 10% đầu tư tư nhân sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm 0,12 điểm %.
Mặt khác, để vượt qua những trở ngại của năm nay và hóa giải thách thức tăng trưởng cho năm sau, cần thực thi thật tốt các cơ chế chính sách đã ban hành. Trong đó, công tác phối hợp chính sách cần thực hiện hiệu quả để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại nền kinh tế, vốn bị chậm thời gian qua, cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.