Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ: Trông đợi vào cú huých đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiến độ giải ngân đầu tư công của Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, đặc biệt là tứ giác kinh tế gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu sau 5 tháng đầu năm vẫn chưa có dấu hiệu bứt phá. Nguồn vốn được kỳ vọng là “động lực quan trọng” cho phục hồi kinh tế lại đang trở thành điểm nghẽn và tạo áp lực lên mục tiêu tăng trưởng năm 2022.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, TP.HCM mới giải ngân được hơn 4.300 tỷ đồng vốn đầu tư công, tương đương khoảng 13% so với kế hoạch năm 2022. Ảnh: Nhã Chi
Lũy kế 5 tháng đầu năm, TP.HCM mới giải ngân được hơn 4.300 tỷ đồng vốn đầu tư công, tương đương khoảng 13% so với kế hoạch năm 2022. Ảnh: Nhã Chi

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, năm 2022, Thành phố được giao hơn 44.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, tới nay, TP.HCM mới giải ngân được hơn 4.300 tỷ đồng, tương ứng khoảng 13% so với kế hoạch vốn đầu tư công. Tình hình giải ngân đầu tư công chậm chạp và nguyên nhân được chỉ ra là giao kế hoạch vốn chậm. Bên cạnh đó, chi phí tăng đột biến khiến các nhà thầu thi công cầm chừng vì càng làm nhanh càng lỗ và có tâm lý chờ giá được điều chỉnh xuống thấp. Theo bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND Thành phố, so với mặt bằng chung cả nước thì tỷ lệ giải ngân TP.HCM đạt được trong 5 tháng là rất thấp.

Tại Bình Dương, một đầu tàu kinh tế của Đông Nam Bộ, tiến độ đầu tư công bắt đầu có biến chuyển tốt hơn các tháng đầu năm song còn chậm. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, năm 2022, nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch là 8,9 nghìn tỷ đồng. Đến 15/5/2022, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công là 1.558 tỷ đồng, đạt 17,5% kế hoạch. Tại phiên họp thường kỳ tháng 5 của UBND Tỉnh, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 19/5, tỉnh đã hoàn thành giải ngân hơn 2 nghìn tỷ đồng trong tổng nguồn vốn đầu công năm 2022 là hơn 10,5 nghìn tỷ đồng. Tiến độ giải ngân ở nhiều công trình trọng điểm thực hiện trong tháng 5/2022 cải thiện như các dự án: Đầu tư xây dựng đường Hương Lộ 2, Nâng cấp đường Đường tỉnh 763, Trục trung tâm thành phố Biên Hòa (đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn), Cải tạo nâng cấp đường Đường tỉnh 768 (đoạn từ cầu Vượt Thủ Biên đến giao với đường Đường tỉnh 767)…

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết, giá trị giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 20/5 là trên 1.931 tỷ đồng, đạt 15,4% tổng kế hoạch vốn 2022. Năm 2022, Bà Rịa - Vũng Tàu bố trí khởi công xây dựng mới 29 dự án. Đến nay Tỉnh đã khởi công 4 dự án, 8 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp và 17 dự án đang thực hiện việc lập, thẩm tra, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - tổng dự toán.

Nhìn chung, tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, ngoài nguyên nhân chậm phân bổ vốn, thủ tục hồ sơ chuẩn bị đầu tư mất nhiều thời gian, khó khăn về mặt bằng, nếu không giải quyết được tâm lý thi công cầm chừng của nhà thầu thì các địa phương rất khó hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% lượng vốn đầu tư công được bố trí trong kế hoạch.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, nguồn vốn đầu tư công cho Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và kịp thời, nguồn vốn này sẽ tạo động lực rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế cho “đầu tàu kinh tế” của cả nước, nhất là lĩnh vực hạ tầng giao thông liên kết các trung tâm công nghiệp với cảng biển. Tiến độ giải ngân đầu tư công chậm sẽ làm lỡ cơ hội phục hồi, tăng trưởng kinh tế toàn Vùng. Lượng lớn vốn đầu tư công nếu được đưa nhanh vào nền kinh tế sẽ tạo thêm lực đẩy cho nhiều lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, xây dựng, xuất khẩu… tăng trưởng và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, doanh nghiệp. Để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, năm 2022, chính quyền các tỉnh Đông Nam Bộ cần nhanh chóng tháo gỡ các nút thắt để thực hiện nhanh, hiệu quả kế hoạch đầu tư công, nhất là dẫn vốn công cho các dự án hạ tầng quan trọng.

Báo cáo của các địa phương cho thấy, tình hình kinh tế của tứ giác kinh tế Đông Nam Bộ tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, để tăng trưởng thực sự bứt phá, các địa phương này cần tăng tốc giải ngân đầu tư công nói chung, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ cũng như liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chuyên đề