Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp đà tăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 8 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp đà tăng so với cùng kỳ năm trước, cả về vốn đầu tư thực hiện và tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong trung hạn, dòng vốn vào Việt Nam được dự báo tiếp tục xu hướng tích cực, nhưng vẫn cần thêm các giải pháp để duy trì sức hấp dẫn trong dài hạn.
Tính từ đầu năm đến 31/8/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Tiên
Tính từ đầu năm đến 31/8/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Theo Cục ĐTNN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 31/8/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp của nhà ĐTNN đạt hơn 20,52 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án ĐTNN ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đầu tư mới và điều chỉnh vốn tăng cả về số lượng dự án và số vốn. Quy mô vốn đầu tư trung bình của 1 dự án cũng cao hơn. Cụ thể, quy mô vốn đầu tư của các dự án mới tăng từ 4,56 triệu USD/dự án trong 8 tháng năm 2023 lên 5,34 triệu USD/dự án trong 8 tháng năm 2024; quy mô vốn đầu tư điều chỉnh tăng từ 5,64 triệu USD/lượt điều chỉnh trong 8 tháng năm 2023 lên 6,17 triệu USD/lượt điều chỉnh trong 8 tháng năm 2024. Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và tăng vốn trong 8 tháng.

Cục ĐTNN cho biết thêm, xuất khẩu của khu vực ĐTNN 8 tháng năm 2024 tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Khu vực ĐTNN xuất siêu hơn 32,8 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu hơn 31,5 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu hơn 16,5 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, là bệ đỡ giúp cả nước xuất siêu khoảng 16,3 tỷ USD trong 8 tháng.

Tại buổi họp báo mới đây, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, dòng vốn ĐTNN đổ vào Việt Nam ổn định kể cả trong giai đoạn khủng hoảng do dịch Covid-19 và tiếp tục tăng trong năm nay đóng góp quan trọng cho phục hồi, tăng trưởng kinh tế.

Trước một số quan ngại về việc một vài nhà đầu tư dừng kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, chuyên gia của WB cho rằng, việc doanh nghiệp đến đầu tư hay dừng kế hoạch đầu tư tại một quốc gia là điều rất bình thường. ĐTNN vào Việt Nam sẽ không bị suy giảm chỉ vì một số doanh nghiệp quyết định không đầu tư nữa. Trong trung hạn, đa số nhà đầu tư vẫn đánh giá Việt Nam là điểm đến rất hứa hẹn. Nhà đầu tư đang rất quan tâm và tiếp tục đối thoại để mở rộng quan hệ trong thời gian tới.

Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và tăng vốn trong 8 tháng năm 2024. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và tăng vốn trong 8 tháng năm 2024. Ảnh: Nhã Chi

Góp ý chính sách để bảo đảm tính hấp dẫn của nền kinh tế, duy trì dòng vốn ĐTNN trong dài hạn, bà Dorsati Madani cho rằng, Việt Nam cần cung cấp nguồn nhân lực với chất lượng tốt hơn, cải thiện dịch vụ hạ tầng giao thông, viễn thông, điện; nỗ lực vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các cải cách trong nền kinh tế, tăng cường năng lực cho khu vực tư nhân.

Chuyên gia của WB lưu ý thêm, đang có sự dịch chuyển mạnh của các nhà sản xuất sang sản xuất xanh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng xanh, Việt Nam cần khuyến khích việc áp dụng công nghệ xanh cho sản xuất, thu hút nhà đầu tư có công nghệ tinh xảo, mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn cho nền kinh tế và phải hành động nhanh để có thể tiên phong cung cấp sản phẩm xanh, từ đó chiếm lĩnh sớm thị trường.

Trong số những giải pháp đột phá, trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh việc sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đón nhận xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên thế giới, khu vực. Những giải pháp cụ thể là tiếp tục thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới; tăng cường hợp tác, tổ chức đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng cần sớm ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư để ổn định môi trường đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn thu thuế bổ sung từ quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nguồn thu hợp pháp khác để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, tập trung nghiên cứu xây dựng, trình Bộ Chính trị Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Đây là nhiệm vụ khó, có tính mới, chưa từng có tiền lệ, liên quan đến quy định pháp luật trong nhiều ngành, lĩnh vực cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đổi mới, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương…

Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp, dự án FDI tại Việt Nam. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin, lan tỏa thông điệp tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, giúp khai thác hiệu quả hơn xu hướng chuyển dịch dòng vốn FDI khu vực, toàn cầu.

Chuyên đề