Vốn - bài toán khó cho startup

(BĐT) - Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp là làm sao để gọi vốn thành công, trong khi các ngân hàng thương mại thường không mặn mà cho các dự án này vay vốn do thiếu tài sản thế chấp, rủi ro cao… Đây cũng là thách thức lớn nhất của các dự án khởi nghiệp hiện nay.
Các quỹ đầu tư luôn rộng cửa chào đón các dự án tiềm năng của doanh nghiệp khởi nghiệp. Ảnh: Thành An
Các quỹ đầu tư luôn rộng cửa chào đón các dự án tiềm năng của doanh nghiệp khởi nghiệp. Ảnh: Thành An

Thiếu chính sách hỗ trợ gọi vốn

Ông Nguyễn Sắc Phong, Giám đốc Dự án Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu Nông Trang Xanh, cho biết, công ty của ông bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch từ tháng 10/2016. Đến nay, một số sản phẩm, dịch vụ với quy mô nhỏ đã được thị trường đón nhận. Với mong muốn mở rộng quy mô, Công ty đã mạnh dạn tìm nguồn vốn từ nhiều nơi, nhưng đều thất bại do thiếu tài sản thế chấp. Việc vay tín chấp cũng không khả thi do phải có báo cáo tài chính từ 3 năm trở lên, trong khi DN mới chỉ hoạt động được 2 năm, nhà xưởng chủ yếu là đi thuê.

Tương tự, bà Đỗ Tú Quân, Chủ tịch Trung tâm Triển lãm Yến sào Việt Nam chia sẻ, nhằm phát triển Trung tâm - dự án từng đoạt giải thưởng về startup của Thụy Sĩ, bà đã tìm đến nhiều ngân hàng xin vay vốn, tuy nhiên tất cả đều ngần ngại với lý do “chưa nhận thế chấp tổ yến bao giờ” và chỉ cho vay tín chấp ở mức 500 triệu đồng. Với một dự án có quy mô vốn 38 tỷ đồng và các nhà sáng lập đã huy động được 20 tỷ đồng thì con số 500 triệu đồng chỉ như “muối bỏ bể”.

Về phía ngân hàng, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank thừa nhận, đến nay, Sacombank chưa từng có quy định cho vay riêng với DN khởi nghiệp, mà vẫn ghép chung với quy chế cho vay DN vừa và nhỏ. Để tạo điều kiện cho DN khởi nghiệp có thể vay được vốn, Ngân hàng chỉ có cách phải linh hoạt, sáng tạo tùy theo từng trường hợp. Ví dụ, với DN lớn, đã hoạt động lâu năm muốn vay vốn phải có báo cáo tài chính 3 năm liên tục đã được kiểm toán. Còn với DN khởi nghiệp, Ngân hàng sẽ không đòi hỏi những yêu cầu như vậy.

Việc thiếu chính sách hỗ trợ gọi vốn đã dẫn đến tình trạng startup Việt “chạy” ra nước ngoài lập công ty. Ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc Đầu tư cao cấp Quỹ Đầu tư DFJ VinaCapital cho biết, đã đưa không ít startup lĩnh vực công nghệ sang Singapore đăng ký thành lập DN, vì so với Việt Nam, Singapore có hạ tầng, chính sách tốt hơn cho lĩnh vực này. Dù hoạt động 100% ở Việt Nam nhưng đăng ký khởi nghiệp tại Singapore lại luôn được định giá cao hơn. Đây là thực tế đáng buồn mà các nhà hoạch định chính sách Việt Nam phải thẳng thắn nhìn nhận, tháo gỡ.

Cửa nào cho các startup?

Theo các chuyên gia, khởi nghiệp là một hoạt động đầu tư mạo hiểm nên tài trợ cho hoạt động này phần lớn là các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ đầu tư thiên thần.

Ông Hồ Trọng Lai, đại diện Công ty Tư vấn và Đầu tư Waterstone Partners (Mỹ), cho rằng, quá trình khởi nghiệp, 90% DN có khả năng thất bại. Với rủi ro của DN khởi nghiệp, trong vai trò là một DN chuyên cho vay để kiếm lợi nhuận và chịu áp lực kinh doanh, việc ngân hàng sợ mất vốn là đương nhiên. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, các startup không nên tìm đến ngân hàng mà có thể gọi vốn từ cộng đồng (có thể chính là bố mẹ, anh chị em), kế đến là các quỹ đầu tư tư nhân.

Đồng quan điểm này, ông Hoàng Đức Trung khẳng định: “Quỹ đầu tư luôn rộng cửa chào đón các dự án tiềm năng của DN khởi nghiệp. Điều quan trọng là DN là phải tìm hiểu khẩu vị, sở thích, lĩnh vực của từng quỹ để gõ cửa cho phù hợp. Khác với ngân hàng - nơi thường rất chú ý xem xét tình hình tài chính - kinh doanh cả trong quá khứ lẫn hiện tại của startup, chúng tôi không hề đọc 80% kế hoạch kinh doanh của startup, chỉ cần có bản thuyết minh cụ thể về DN trong một vài trang”, ông Trung cho biết.

Đặc biệt, theo ông Trung, nếu từng thất bại khi gọi vốn từ quỹ đầu tư nào đó thì các DN khởi nghiệp cũng không nên từ bỏ, thay vào đó, hãy mạnh dạn gửi lại những bản thuyết minh khác.

Chuyên đề