Vỡ mộng thưởng vượt tiến độ công trình giao thông

Nếu chiểu theo quan điểm của Bộ Tài chính, thì số tiền chi thưởng vượt tiến độ cho nhà thầu quốc tế thi công Dự án Xây dựng đường vành đai 3 giai đoạn II (Hà Nội) sẽ còn chưa đầy 1/3 so với đề xuất của chủ đầu tư.
Vỡ mộng thưởng vượt tiến độ công trình giao thông

Đã có ít nhất một nhà thầu quốc tế nằm trong danh sách các đơn vị được đề xuất nhận thưởng hợp đồng do thi công vượt tiến độ Dự án Xây dựng đường vành đai 3 giai đoạn II bày tỏ sự thất vọng về quan điểm mới nhất của Bộ Tài chính. “Chúng tôi cảm thấy những cố gắng rút ngắn tiến độ không được ghi nhận kịp thời và tương xứng với những gì đã bỏ ra”, lãnh đạo một nhà thầu xin giấu tên cho biết.

Vào giữa tuần trước, Bộ Tài chính đã dội một “gáo nước lạnh” vào hy vọng kết thúc hành trình “xin” thưởng kéo dài ròng rã suốt hơn 3 năm của cả chủ đầu tư và nhà thầu thi công Dự án khi tiếp tục bảo lưu quan điểm cứng rắn đối với vấn đề này. Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng, đây là dự án do Ngân sách Nhà nước cấp phát, thực hiện công trình công ích, nên chủ dự án (người cam kết trả thưởng) và ngân sách đều không có nguồn thu trực tiếp hay nguồn thu tăng thêm từ việc rút ngắn tiến độ. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho rằng, đối chiếu quy định, nguồn kinh phí duy nhất có thể làm cơ sở xác định mức thưởng là chi phí thực tế tiết kiệm được của hợp đồng xây lắp và hợp đồng tư vấn giám sát liên quan do việc rút ngắn tiến độ.

Cần phải nói thêm, đây không phải là vấn đề mới, thậm chí đã nhiều lần được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) xin ý kiến của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong suốt 3 năm qua. Ngoài lý do chưa có tiền lệ trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng tại Việt Nam, các bộ, ngành còn chưa thống nhất phương pháp tính thưởng, quy mô giá trị thưởng.

Hiện áp lực phải sớm chi trả thưởng đối với chủ công trình là khá lớn, khi nhà thầu thi công gói thầu số 2, là Công ty Sumitomo Mitsui (Nhật Bản), đã gửi thông báo yêu cầu trả tiền lãi do chậm thanh toán giá trị tiền thưởng gói thầu số 2.

Trước đó, theo đề xuất của Bộ GTVT, tổng giá trị của việc rút ngắn tiến độ 2 hợp đồng mang lại lên tới 1.499,3 tỷ đồng, trong đó giá trị lợi ích kinh tế - xã hội là 1.441,7 tỷ đồng; chi phí tiết kiệm của các hợp đồng xây lắp (9,66 tỷ đồng), hợp đồng tư vấn (44,07 tỷ đồng).

Căn cứ điều khoản của hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu, trong trường hợp vượt tiến độ, nhà thầu được thưởng 1,12% giá trị hợp đồng cho mỗi 28 ngày rút ngắn, nhưng không quá 12% giá trị lợi ích mang lại, giá trị thưởng tối đa cho các nhà thầu có thể lên tới 173,93 tỷ đồng. Theo đó, liên danh Samwhan (Hàn Quốc) - Cienco4 được đề nghị thưởng 77,7 tỷ đồng vì hoàn thành sớm gói thầu số 1 (đoạn Mai Dịch - Trung Hòa) trước 263 ngày; Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) được đề xuất thưởng 102 tỷ đồng vì vượt tiến độ gói thầu số 2 (đoạn Trung Hòa - Thanh Xuân) 454 ngày.

Cần phải nói thêm rằng, để có thể thông xe sớm Dự án Xây dựng đường vành đai 3 giai đoạn II dài 9 km, chủ yếu chạy trên cao, có tổng mức đầu tư là 5.547 tỷ đồng này, các nhà thầu đã huy động lượng máy móc, thiết bị, nhân công lớn gấp nhiều lần hồ sơ mời thầu. Kinh phí phát sinh cho việc huy động tăng thêm đã được xác nhận trong các biên bản hiện trường của cả chủ đầu tư lẫn tư vấn giám sát.

Tuy nhiên, nếu chiểu theo quan điểm của Bộ Tài chính, tổng số tiền chi thưởng tối đa cho các nhà thầu chỉ vào khoảng 53,7 tỷ đồng, bằng khoảng 1/3 so với đề xuất của chủ đầu tư.

Bộ Tài chính lưu ý Bộ GTVT rằng, pháp luật hiện hành chưa có quy định về tính giá trị thưởng/phạt đối với các công trình sử dụng vốn nhà nước căn cứ lợi ích (kinh tế - xã hội)/thiệt hại giả định, mà phải căn cứ theo các lợi ích/nguồn thu/thiệt hại thực tế (có hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu chứng minh) mang lại cho cơ quan chi trả thưởng/phạt.

Một lãnh đạo Ban quản lý Dự án Thăng Long cho biết, họ chưa biết giải thích như thế nào về quan điểm mới này của Bộ Tài chính khi việc trả thưởng đã được ghi rõ trong hợp đồng; phương án, mức thưởng cũng được xây dựng theo thông lệ quốc tế và được sự chấp thuận của Bộ Xây dựng.

Vào cuối tháng 2/2016, lối thoát cho vấn đề phức tạp này được tưởng như đã được mở khi Chính phủ đồng ý cho phép sử dụng nguồn vốn vay JICA trong hiệp định vay vốn Dự án để thanh toán tiền thưởng hoàn thành vượt tiến độ gói thầu số 1 và số 2 cho nhà thầu. Tuy nhiên, với quan điểm cứng rắn của Bộ Tài chính, vụ việc này chắc chắn chưa thể khép lại khi khoảng cách giữa đòi hỏi của nhà thầu và mức thưởng có thể chi trả còn độ vênh không dễ khỏa lấp.

“Giá trị lợi ích mang lại từ việc rút ngắn tiến độ 2 gói thầu là không thể phủ nhận, nên cần chi trả sớm và thích đáng để không làm mất đi ý nghĩa của việc thưởng động viên”, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam nêu quan điểm.

Chuyên đề