VNPT có dễ thoái vốn khỏi Telcom?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ thực hiện thoái hết 2,45 triệu cổ phần đang sở hữu tại Công ty CP Phát triển công trình viễn thông (Telcom), tương đương 49% vốn điều lệ vào ngày 4/9 tới.
Suy giảm đầu tư trong lĩnh vực xây lắp viễn thông và cạnh tranh ngày càng khốc liệt khiến số lượng hợp đồng của Telcom sụt giảm mạnh. Ảnh: Lê Tiên
Suy giảm đầu tư trong lĩnh vực xây lắp viễn thông và cạnh tranh ngày càng khốc liệt khiến số lượng hợp đồng của Telcom sụt giảm mạnh. Ảnh: Lê Tiên

Mức giá khởi điểm đưa ra cao hơn nhiều so với thị giá của Telcom trên sàn chứng khoán. Trong khi đó, hiệu quả kinh doanh khiêm tốn có thể khiến phiên đấu giá trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Kết quả kinh doanh ảm đạm

Telcom được thành lập vào năm 1954 và thực hiện cổ phần hóa vào đầu năm 2006, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình bưu chính, viễn thông... Tháng 9/2017, cổ phiếu của Công ty chính thức được giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán TEL. Hiện thị giá của cổ phiếu TEL ở mức 7.000 đồng và gần như không có thanh khoản. Như vậy, mức giá khởi điểm 21.801 đồng cho một cổ phiếu TEL được VNPT đưa ra trong đợt thoái vốn này cao gấp 3 lần so với thị giá trên sàn chứng khoán.

Giá cổ phiếu TEL một phần thể hiện kết quả kinh doanh yếu kém của doanh nghiệp này. Đến thời điểm hiện tại, Telcom vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý I, quý II/2020. Báo cáo tài chính năm 2019 của Telcom cho biết, doanh thu năm 2019 của Công ty đạt 57,4 tỷ đồng (tăng trưởng 45% so với năm 2018), lãi sau thuế chỉ hơn 1 tỷ đồng. Với kết quả như vậy, thu nhập bình quân trên mỗi cổ phần (EPS) của Công ty năm 2019 chỉ là 201 đồng. Tính đến cuối năm 2019, Telcom ghi nhận khoản lỗ lũy kế 9,9 tỷ đồng

Dù lãi ít nhưng đây là tín hiệu tích cực đối với Telcom khi năm 2018 lợi nhuận sau thuế âm tới 11 tỷ đồng. 2 năm trước đó, Telcom cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm với khoản lỗ 2,4 tỷ đồng năm 2016 và lãi vỏn vẹn 0,15 tỷ đồng năm 2017.

Telcom cho biết, thị trường bão hòa trong những năm gần đây làm suy giảm đầu tư trong lĩnh vực xây lắp viễn thông. Cùng với đó, sự cạnh tranh quyết liệt của các công ty cùng ngành dẫn đến số lượng hợp đồng xây lắp sụt giảm mạnh.

Bỏ ngỏ khả năng thu hồi hơn 50 tỷ đồng

Không chỉ có kết quả kinh doanh yếu kém, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C, đơn vị thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2019 của Telcom, đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về tính hiện hữu và khả năng thu hồi các khoản phải thu của Telcom.

Cụ thể, một số công nợ cá nhân là chủ nhiệm công trình liên quan đến các công trình đang chờ quyết toán và công nợ phải thu khách hàng chưa được xác nhận đầy đủ tính đến ngày 31/12/2019. Trong đó, công nợ cá nhân là 14,5 tỷ đồng, còn công nợ phải thu khách hàng chưa được đối chiếu lên tới hơn 21 tỷ đồng.

Đặc biệt, đơn vị kiểm toán cũng cho biết đã thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung, thay thế nhưng không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các khoản nợ phải

thu này.

Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản của Telcom là 76,3 tỷ đồng. Như vậy, tổng các khoản phải thu trên là 35,5 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng tài sản của doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, Telcom cũng ghi nhận một loạt các khoản nợ phải thu quá hạn 3 năm tính đến cuối năm 2019 lên đến gần 17 tỷ đồng. Ngoài ra, Telcom cũng đã rót 4 tỷ đồng góp vốn vào Công ty CP Viễn thông Thăng Long nhưng đã phải trích lập dự phòng 100% cho khoản đầu tư này, bởi lỗ lũy kế của Viễn thông Thăng Long đã vượt vốn điều lệ.

Kết quả kinh doanh èo uột cùng với mức giá khởi điểm cao hơn nhiều so với thị giá, lại thêm khả năng khó thu hồi các khoản phải thu sẽ làm tính hấp dẫn của phiên đấu giá này giảm đi đáng kể.

Chuyên đề