Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM là tòa nhà công hiếm hoi đến nay thực hiện được mô hình của một dự án tiết kiệm năng lượng bài bản. |
So với các nước trong khu vực, số lượng công trình xanh của Việt Nam, trong đó có công trình áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng còn rất ít, mới khoảng 30 công trình. Trong khi con số này ở Malaysia và Singapore lần lượt là 200 và 3.000.
Khó khăn về tiềm lực kinh tế của chủ đầu tư là một trong những nguyên nhân được “chỉ mặt đặt tên” tại hội thảo “Giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà Việt Nam” diễn ra tại TPHCM mới đây.
Đáng chú ý, các tòa nhà hoặc công trình công ích sử dụng vốn ngân sách rất khó thực hiện một dự án tiết kiệm năng lượng hoàn chỉnh thông qua các công ty tư vấn.
Theo ông Diệp Thế Cường, Tổng Giám đốc Viet Esco, công ty chuyên tư vấn-thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng với 51% vốn do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM nắm giữ, công ty hiện có hai hình thức đầu tư chính cho các công trình muốn làm dự án tiết kiệm năng lượng. Một là hợp đồng bảo đảm tiết kiệm, tức cam kết với chủ đầu tư tòa nhà về tỉ lệ năng lượng tiết kiệm nhất định. Hai là bỏ vốn đầu tư, từ khảo sát, tư vấn thiết kế tòa nhà, sử dụng vật liệu, đến mua sắm, lắp đặt thiết bị, vận hành dự án.
Ở cả hai hình thức trên, chủ đầu tư tòa nhà sẽ trả cho Viet Esco một tỉ lệ nhất định căn cứ trên khoản chi phí năng lượng tiết kiệm được hằng năm. Tuy nhiên, các chủ đầu tư tòa nhà sử dụng vốn ngân sách không có cơ chế tài chính nào để chi lại cho nhà tư vấn căn cứ trên chi phí năng lượng tiết kiệm được. Do đó, hiện gần 100% các dự án tiết kiệm năng lượng mà đơn vị này thực hiện đều là tòa nhà của các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân.
Vướng Luật Đấu thầu, nhà tư vấn không thể cạnh tranh
Ngoài ra, đa số công trình dùng vốn ngân sách khó làm dự án tiết kiệm năng lượng một cách bài bản bởi đang vướng Luật Đấu thầu. Theo đó, những dự án có vốn đầu tư hơn một tỷ đồng đều phải đưa ra đấu thầu công khai.
Ở đó, các nhà tư vấn-vận hành dự án tiết kiệm năng lượng khó có “cửa” cạnh tranh với các công ty chỉ chuyên bán sản phẩm, thiết bị cho công trình. Những người vốn chỉ muốn bán được hàng và chỉ chịu trách nhiệm với thiết bị đến khi hết bảo hành thường có giá bỏ thầu khá thấp. Trong khi nhà tư vấn-thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng thường có giá bỏ thầu cao hơn do phải chi cho nhiều khâu như tư vấn thiết kế tòa nhà, tư vấn-mua sắm vật liệu, lắp đặt, vận hành thiết bị và chịu rủi ro từ cam kết bảo đảm một tỉ lệ tiết kiệm năng lượng nhất định cho đến hết vòng đời dự án.
Còn tại những dự án từ một tỷ đồng trở xuống, chủ đầu tư dù được phép chỉ định thầu, nhưng trên thực tế nghịch lý mới lại phát sinh, bởi đây thường là dự án của các nhà đầu tư hạn chế về tiềm lực tài chính, sổ sách quản trị không đủ minh bạch để thuyết phục nhà cho vay, vì vậy chủ đầu tư vẫn gặp khó khăn khi tìm vốn đối ứng để cùng bắt tay với bên tư vấn tiết kiệm năng lượng.
Đó là lý do vì sao những nhà tư vấn như Viet Esco phải chịu tốn kém thời gian, nhân lực để nghiên cứu, khảo sát khoảng 50 công trình mới chọn ra được 3-5 công trình có thể làm dự án tiết kiệm năng lượng.
Nhận hỗ trợ từ Bộ Xây dựng
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho hay, với vai trò của cơ quan quản lý chuyên ngành và chưa thể trực tiếp xử lý các nút thắt về tài chính cho các chủ đầu tư công trình sử dụng ngân sách muốn làm dự án tiết kiệm năng lượng, hiện Bộ Xây dựng đang phát động “bầu không khí” cổ vũ cho các công trình tiết kiệm năng lượng trong cộng đồng chủ đầu tư các tòa nhà tại Việt Nam.
Trước mắt, từ năm 2017, Bộ Xây dựng sẽ khởi động dự án thí điểm trình diễn mô hình tiết kiệm năng lượng tại 16 tòa nhà xây mới hoặc cải tạo ở TPHCM, Hà Nội, Nha Trang và Phú Yên. Bên cạnh phần vốn đối ứng của các chủ đầu tư tòa nhà, dự án còn được Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) ở Việt Nam, với tổng vốn viện trợ không hoàn lại là 3,198 triệu USD. Dự kiến thực hiện trong 4 năm.
Những công trình khác muốn tham gia áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng theo Chương trình này vẫn có thể đăng ký với Bộ Xây dựng để được bổ sung.
Tìm nguồn ngoài ngân sách
Có thể nói Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM là tòa nhà công hiếm hoi đến nay thực hiện được mô hình của một dự án tiết kiệm năng lượng bài bản. Đây là trường hợp chủ đầu tư đã linh hoạt kết hợp nhiều cơ chế tài chính khác nhau, trong đó có khoản hỗ trợ được nhận từ cơ chế viện trợ JCM của Nhật Bản.
Đây là cơ chế Nhật Bản áp dụng cho các quốc gia đang phát triển nhằm thúc đẩy việc chuyển giao và phổ biến các công nghệ phát thải carbon thấp, hướng tới tăng trưởng xanh ở nước sở tại và hỗ trợ thực hiện cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Nhật Bản.
Theo đó, Nhật Bản hỗ trợ cho các dự án sử dụng năng lượng hiệu quả đến 30% chi phí mua sắm thiết bị. JCM không chỉ giúp mức đầu tư của chủ tòa nhà giảm xuống, mà còn mở ra cơ hội lớn hơn cho các nhà tư vấn-thực hiện dự án tiết kiệm năng lượng trước các đối thủ là doanh nghiệp cung cấp thiết bị đơn thuần khác.
Ngoài cơ chế JCM của Nhật Bản, các chủ đầu tư công trình tiết kiệm năng lượng còn có thể vay vốn từ Quỹ Tiết kiệm năng lượng Việt Nam với lãi suất ưu đãi từ 2-4%/năm; hoặc tìm nguồn hỗ trợ tài chính từ chương trình cho vay của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thông qua Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank).