Hầm chui nút giao đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, TP. Đà Nẵng được đầu tư để phục vụ APEC 2017. Ảnh: Thu Hồng |
Ông Hugo Eduardo Baraza Manso, Trưởng đoàn Tư vấn giám sát (Công ty Getinsa Ingenieria - đại diện cho Liên danh nhà thầu tư vấn giám sát) cho biết, về nguồn nước, tư vấn giám sát đã rà soát toàn bộ rãnh thoát nước dọc trong hầm và 4 đầu ống D400 thu nước vào hố thu là không có nước chảy. Tại hố thu nước, mặc dù không có nước chảy vào từ ống D400 nhưng nước chảy ra từ hố thu vào ống D800 về trạm bơm là có. Sau khi hút hạ mực nước trong hố thu thì xác định rằng đáy hố thu bị rò rỉ, gây ra việc nước ngầm tràn vào hố thu.
Đơn vị tư vấn giám sát cũng tiến hành quan sát đầu ra ống D800 trong trạm bơm thì thấy không có nước chảy. Còn tiến hành quan sát kiểm tra bằng mắt thường thì trạm bơm không bị rò rỉ nước. Như vậy, hệ thống thoát nước dọc, ống D400, ống D800, kết cấu trạm bơm hiện tại chưa có lỗi kỹ thuật. Nguồn nước tràn lên mặt đường trong hầm là do hố thu bị rò rỉ nước. Việc quan trắc mực nước trong trạm bơm để xác định trạm bơm có bị rò rỉ nước hay không sẽ được tiến hành khi xử lý lỗi kỹ thuật từ hố thu nước (nước không còn chảy ra từ ống D800).
Về hệ thống bơm nước, kết luận của đơn vị tư vấn giám sát cũng cho biết, ngày 18/3/2018 đã xảy ra sự việc cắt điện lưới. Tuy nhiên, hệ thống điện dự phòng bị lỗi kỹ thuật, dẫn đến không có nguồn để tự động kích hoạt được máy bơm nước. Như vậy, việc nước tràn mặt đường trong lòng hầm (khi trời không có mưa) là do lỗi kỹ thuật từ hệ thống bơm nước kết hợp với lỗi kỹ thuật từ hố thu nước.
Với những nguyên nhân và kết luận nêu trên, đơn vị tư vấn giám sát yêu cầu nhà thầu xây dựng tiến hành rà soát tất cả các vị trí có nguy cơ rò rỉ nước trong hố thu, đánh dấu vị trí bị rò rỉ, lập và trình cho Tư vấn giám sát biện pháp xử lý việc rò rỉ nước trong hố thu, trong đó thể hiện rõ vật liệu sẽ sử dụng, phương án xử lý, nhân công, máy móc thiết bị.
Tư vấn giám sát cũng yêu cầu nhà thầu xây dựng tiến hành kiểm tra, cài đặt lại hệ thống bơm nước tự động, bảo đảm hệ thống bơm nước luôn sẵn sàng hoạt động khi xảy ra sự cố mất điện lưới.
Gói thầu Hầm chui nút giao thông đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương cho hệ thống BRT thuộc Dự án Phát triển bền vững TP. Đà Nẵng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng trong nước (Khoản tín dụng số 5233-VN). Gói thầu này do Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng làm bên mời thầu, UBND TP. Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Gói thầu bao gồm các hạng mục chính: Xây dựng hầm chui bằng bê tông cốt thép với chiều cao tĩnh không hầm 4,75 m, mặt cắt ngang hầm 42 - 48 m, với tổng chiều dài 409 m (bao gồm chiều dài đường dẫn vào hầm); xây dựng tường chắn bằng bê tông cốt thép, đường gom hai bên hầm; xây dựng hệ thống thoát nước trong hầm và bên ngoài hầm; tổ chức giao thông tại nút, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng.
Sau quá trình đấu thầu, UBND TP. Đà Nẵng đã lựa chọn Liên danh Công ty CP Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An - Tổng công ty Thăng Long - CTCP (gọi tắt là Liên danh Thuận An - TCT Thăng Long) là nhà thầu trúng gói thầu trên với giá trúng thầu 118,36 tỷ đồng (đã bao gồm các khoản thuế theo quy định và khoản dự phòng phí 11,02 tỷ đồng). Công trình đã được hoàn thành đưa vào phục vụ vào dịp diễn ra sự kiện APEC 2017.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Công ty Thuận An cho biết, có 5 nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu gói thầu trên (gồm 4 nhà thầu liên danh và 1 nhà thầu độc lập). Giá dự thầu của Liên danh Thuận An - TCT Thăng Long cạnh tranh nhất (giảm khoảng 21% so với giá gói thầu). Liên danh nhà thầu đã thi công vượt tiến độ, đưa công trình vào phục vụ APEC 2017 (công trình được khánh thành vào ngày 1/11/2017). Trong Lễ khánh thành, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng đã thưởng nóng cho đội ngũ công nhân 200 triệu đồng.