Tỷ lệ phần mềm không bản quyền của Việt Nam thuộc hàng cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Nhã Chi |
Vi phạm SHTT về phần mềm đang gia tăng
Ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện quyết định thanh tra 63 DN, kiểm tra 2.472 máy tính, trong đó phát hiện 54 DN có hành vi sao chép chương trình phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu, xử lý vi phạm hành chính 1,65 tỷ đồng.
Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, Thanh tra Bộ đã thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính tại 26 DN, xử phạt vi phạm hành chính 750 triệu đồng. Trong đó, bản quyền phần mềm máy tính là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất tại Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 2,4 tỷ đồng.
Con số này cho thấy tình trạng vi phạm SHTT trong lĩnh vực phần mềm đang gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, đây chỉ là số ít vụ việc vi phạm quyền SHTT được phát hiện so với thực tế.
Theo kết quả nghiên cứu của Liên minh Phần mềm (BSA), ông Gary Gan, Giám đốc Chương trình Tuân thủ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BSA cho biết, tỷ lệ cài đặt phần mềm không bản quyền của Việt Nam đang thuộc hàng cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lên tới 78%. Trong khi đó, nước đạt kết quả tốt nhất trong khu vực này là New Zealand với tỷ lệ 18% và nước đứng đầu thế giới là Mỹ với 17%.
Cảnh báo nhiều hệ lụy
Đối với pháp luật trong nước, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2015 đã có những quy định cứng rắn để răn đe những hành vi vi phạm SHTT. Bà Lê Thị Vân Anh, Trưởng phòng Pháp luật hình sự thuộc Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, Điều 225 và 226 của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2015 quy định, các pháp nhân thương mại xâm phạm quyền SHTT có thể bị phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực/cấm huy động vốn từ 1 đến 3 năm. Thậm chí tùy theo mức độ vi phạm, không chỉ giới hạn ở cá nhân, các pháp nhân thương mại cũng có thể bị khởi tố hình sự.
Ông Trần Văn Minh kỳ vọng rằng, với những khung hình phạt nghiêm khắc này, tỷ lệ vi phạm SHTT nói chung và vi phạm bản quyền phần mềm nói riêng của Việt Nam sẽ giảm xuống đáng kể.
Còn theo ông Gary Gan, DN phải đối diện với những rủi ro rất lớn khi cố ý xâm phạm quyền SHTT, ví dụ như nguy cơ bị tấn công bằng mã độc... Thực tế cho thấy nhiều DN đã phải trả giá vì sự mạo hiểm này. Trong năm 2015, có tới 430 triệu mã độc được phát hiện, tăng 36% so với năm 2014. BSA dự báo, con số này sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong năm 2018. Trung bình cứ 7 phút một lần, các tổ chức phải hứng chịu một hình thức tấn công bằng mã độc nào đó…
Riêng tại Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2017 ghi nhận có 13.382 sự cố tấn công mạng vào các trang web của Việt Nam. Mới đây nhất là sự cố 139.000 máy tính tại Việt Nam bị nhiễm virus đào tiền mã hóa mang tên W32.AdCoinMiner... Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong top 10 nước trên thế giới bị tấn công mã hóa dữ liệu và có tỷ lệ nhiễm mã độc cao nhất (54,32%).