Vi phạm hợp đồng, bồi thường thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong thời gian qua, số vụ giải quyết tranh chấp do vi phạm hợp đồng gia tăng đáng kể. Một trong những nguyên nhân chính là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến cho việc thực hiện hợp đồng gặp nhiều khó khăn. Khi xảy ra vi phạm hợp đồng, vấn đề được quan tâm và gây tranh cãi nhiều nhất giữa các doanh nghiệp, chủ đầu tư, nhà thầu và giữa các nhà thầu với nhau chính là áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại như thế nào?
Dịch Covid-19 khiến cho việc thực hiện hợp đồng gặp nhiều khó khăn, làm gia tăng số vụ tranh chấp liên quan đến vi phạm hợp đồng. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Dịch Covid-19 khiến cho việc thực hiện hợp đồng gặp nhiều khó khăn, làm gia tăng số vụ tranh chấp liên quan đến vi phạm hợp đồng. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Theo ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), trong thời gian qua, tại VIAC, số lượng vụ tranh chấp liên quan đến vi phạm hợp đồng tăng lên đáng kể, phần lớn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 khiến cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc hiểu và vận dụng đúng chế tài bồi thường thiệt hại (BTTH) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm thẩm phán tòa án kinh tế và trọng tài, luật sư Nguyễn Công Phú, nguyên Phó Chánh Tòa Kinh tế TP.HCM, trọng tài viên VIAC cho biết, khác với những chế tài khác (phạt vi phạm, đơn phương hủy bỏ hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng…), khi có hành vi vi phạm hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền đòi BTTH mà không bắt buộc phải có thỏa thuận trước trong hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng chế tài BTTH do chưa hiểu đúng về chế tài này cũng như các điều kiện áp dụng cụ thể..

Gần đây, một số nhà thầu chia sẻ, họ bị xâm phạm quyền lợi mà không biết xử lý như thế nào khi bị chủ đầu tư tịch thu bảo lãnh tại ngân hàng vì cho rằng nhà thầu vi phạm hợp đồng. Trong khi đó, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhà thầu vi phạm, có thể do lỗi của chủ đầu tư, do quyết định hành chính của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoặc do lỗi của nhà thầu phụ (đối tác)… và nhà thầu chính cũng phải chịu thiệt hại.

Luật sư Nguyễn Công Phú gợi ý, khi rơi vào các tình huống này, nhà thầu có thể căn cứ vào Điều 303 Luật Thương mại để yêu cầu chủ đầu tư chứng minh có hành vi vi phạm hợp đồng, có thiệt hại thực tế, và hành vi vi phạm hợp đồng đó là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại.

Nếu chủ đầu tư (bên bị vi phạm hợp đồng) chưa chứng minh được thiệt hại thực tế do nhà thầu vi phạm hợp đồng, mà đã yêu cầu ngân hàng trả bảo lãnh BTTH thì nhà thầu có quyền kiện chủ đầu tư vì chưa có căn cứ đòi bồi thường. Tại thời điểm xử lý tranh chấp tại tòa, nếu chủ đầu tư chứng minh được số tiền thiệt hại thực tế nhưng thấp hơn so với số tiền đã tịch thu, thì nhà thầu có quyền đòi lại phần chênh lệch. Nhà thầu phụ cũng phải chịu trách nhiệm BTTH cho nhà thầu chính khi vi phạm hợp đồng, nếu như đã được thông báo trước về những điều khoản BTTH trong hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu chính.

Thực tế cho thấy, việc chứng minh thiệt hại và hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn áp dụng chế tài BTTH theo mức thỏa thuận cụ thể tính trước trong hợp đồng. Nếu bên A vi phạm hợp đồng với bên B thì bên A phải bồi thường với một số tiền cụ thể.

Tuy vậy, thực tế thụ lý án tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, các tòa án cũng như các luật sư, trọng tài vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau trong việc có chấp nhận thỏa thuận này hay không, chấp nhận toàn bộ (có chứng cứ chứng minh) hoặc chấp nhận có điều chỉnh khi cần thiết (tăng/giảm cho phù hợp với tình hình thực tế, có chứng cứ chứng minh).

Theo luật sư Nguyễn Công Phú, trên thế giới, một số nước như Pháp, Đức, Nga chấp nhận phương pháp thỏa thuận BTTH có tính trước và có điều chỉnh phù hợp với thực tế, đạo lý và lẽ công bằng. Mặc dù luật pháp Việt Nam không quy định về phương pháp thỏa thuận này, nhưng theo nguyên tắc cơ bản của Điều 3 Bộ luật Dân sự, nếu không vi phạm điều cấm, trái quy định đạo đức xã hội; xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích của bên thứ ba thì thỏa thuận đó có hiệu lực, ý chí tự nguyện của các bên cần phải được tôn trọng.

Ngược lại, để không phải thực hiện trách nhiệm BTTH, bên vi phạm hợp đồng phải chứng minh được việc vi phạm hợp đồng là do lỗi của bên bị vi phạm hợp đồng. Nếu chứng minh được thì bên vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm BTTH...

Chuyên đề