Vẫn “nóng” chuyện thiếu thuốc, vật tư y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc về đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế (TBYT), nhưng theo phản ánh của cử tri tại nhiều địa phương với đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trước thềm Kỳ họp thứ 8, tình trạng thiếu thuốc, vật tư đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Tình trạng người bệnh có bảo hiểm y tế phải mua thuốc bên ngoài hoặc xét nghiệm ở các bệnh viện tư nhân vẫn tái diễn trong thời gian qua. Ảnh: Tiên Giang
Tình trạng người bệnh có bảo hiểm y tế phải mua thuốc bên ngoài hoặc xét nghiệm ở các bệnh viện tư nhân vẫn tái diễn trong thời gian qua. Ảnh: Tiên Giang

Tại Cao Bằng, Hà Nam, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp…, cử tri phản ánh tình trạng thiếu một số thuốc, hóa chất xét nghiệm thuộc danh mục do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, dẫn đến người bệnh phải mua thuốc bên ngoài, hoặc xét nghiệm ở các bệnh viện tư nhân nhưng không được BHYT chi trả.

Theo cử tri tại các tỉnh Nam Định, Gia Lai, Khánh Hòa, Phú Yên…, từ sau đại dịch Covid-19, một số loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) phòng các bệnh truyền nhiễm bị thiếu hụt, khiến nhiều trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng phải trì hoãn tiêm hoặc chuyển sang tiêm dịch vụ (phải trả phí).

Cử tri tỉnh Bình Định cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành văn bản hướng dẫn quy định tại điểm d khoản 2 Điều 135 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP về việc phân nhóm TBYT theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các cơ sở y tế trong việc tổ chức đấu thầu mua sắm TBYT.

Phản hồi các kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, quy định của pháp luật về đấu thầu đối với mua sắm thuốc, vật tư, TBYT đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ (Luật Đấu thầu 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, Thông tư số 03/2024/TT-BYT, Thông tư số 04/2024/TT-BYT, Thông tư số 05/2024/TT-BYT, Thông tư số 07/2024/TT-BYT…). Đồng thời, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ khác như đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành; huy động các nguồn viện trợ một số vắc xin, loại thuốc rất hiếm; tập huấn, hướng dẫn cán bộ y tế tại các cơ sở và địa phương về quy trình đấu thầu, mua sắm vật tư y tế… Về cơ bản, nguồn cung ứng thuốc, vật tư, TBYT đảm bảo cho cả nhu cầu sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh và ngoài thị trường bán lẻ.

Riêng về vắc xin TCMR, lãnh đạo Bộ Y tế thông tin, Bộ đã hoàn thành thủ tục mua 10 loại vắc xin sản xuất trong nước và giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận khoảng 21/25,5 triệu liều vắc xin TCMR từ nguồn thu mua và viện trợ, phân bổ theo kế hoạch cho các địa phương.

Tình trạng thiếu thuốc, TBYT vẫn xảy ra cục bộ, theo bà Đào Hồng Lan, là do một số nguyên nhân khách quan như: ảnh hưởng hậu đại dịch Covid-19 và xung đột tại châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng Albumin, Globulin… Một phần nữa đến từ nguyên nhân chủ quan, các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc như: thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm… Mặt khác, việc thiếu nguồn cung ứng thuốc chủ yếu xảy ra ở nhóm thuốc rất hiếm như thuốc chống độc, giải độc (BAT), huyết thanh kháng nọc rắn… là do không xác định được nhu cầu, vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng…

Qua khảo sát công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu (LCNT) cho thấy một nguyên nhân nữa là thời gian LCNT một số gói thầu kéo dài, có khi trên 6 tháng, thậm chí đấu đi đấu lại vẫn không có nhà thầu tham dự.

Đơn cử, Gói thầu số 01 và Gói thầu số 03 Thuộc Dự toán Mua sắm hóa chất, vật tư trang thiết bị y tế năm 2023 - 2024 của Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) ngày 7/11/2023 nhưng ngày 21/6/2024 mới có kết quả.

Ngoài ra, một số gói thầu phát sinh kiến nghị vì HSMT có tiêu chí thiếu tính cạnh tranh, hạn chế nhà thầu tham dự. Một số gói thầu bị hủy thầu để đấu thầu lại dẫn đến chậm tiến độ, gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư, TBYT. Ví dụ, Gói thầu 01 Mua sắm bông, băng, gạc, ống thông, dây nối, catheter (9,998 tỷ đồng, phát hành HSMT ngày 28/6/2024) của Bệnh viện Phụ sản Trung ương phải hủy thầu vì HSMT không tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu 2023, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện Gói thầu.

Một số gói thầu bị hủy thầu còn do thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư trong quyết định đầu tư đã được phê duyệt (Gói thầu số 1 Mua thuốc generic tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc lần 1 năm 2024 - 2025); thay đổi thông số kỹ thuật của hàng hóa (Gói thầu Mua bổ sung thuốc generic (26 phần) phục vụ công tác khám, chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát năm 2024); điều chỉnh danh mục vị thuốc… Hy hữu có trường hợp 2 gói thầu mua thuốc gần 200 tỷ đồng thuộc Dự toán Cung cấp thuốc năm 2023 cho Bệnh viện Thanh Nhàn bị hủy thầu do chứng thư số thay đổi trước khi mở thầu nên các quy trình tiếp theo không thực hiện được.

Để hạn chế tình trạng thiếu thuốc, vật tư, TBYT cũng như không làm gián đoạn TCMR, đại diện Bộ Y tế cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư, TBYT và các địa phương chủ động triển khai TCMR theo kế hoạch TCMR năm 2024.

Đồng thời, Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Bộ đang dự kiến phương án ban hành văn bản hướng dẫn việc phân nhóm TBYT theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng đảm bảo phù hợp với thực tế và các quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, Bộ đang xây dựng thông tư quy định về việc thanh toán trực tiếp chi phí thuốc và TBYT cho người bệnh có thẻ BHYT nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc do nguyên nhân khách quan, đảm bảo quyền lợi và nhu cầu điều trị của người tham gia BHYT.

Chuyên đề