Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò cầu nối với các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên mà hạt nhân là TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên |
Chỉ thị nêu rõ Vùng KTTĐ phía Nam là vùng kinh tế động lực đầu tàu của cả nước…; đồng thời thực hiện vai trò cầu nối với các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên mà hạt nhân là TP.HCM; phấn đấu đến năm 2025 có 7/8 tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐ phía Nam có điều tiết về ngân sách trung ương.
Chỉ thị nêu ra 3 nhóm giải pháp để phát triển Vùng KTTĐ phía Nam về cơ chế, chính sách; liên kết các ngành, lĩnh vực; nguồn lực.
Trong đó, để phát triển nguồn lực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn, úng ngập tại TP.HCM và một số đô thị lớn trong Vùng, ưu tiên giải quyết trước hết các điểm nút chính, nơi tập trung mật độ dân cư cao tại các đô thị trung tâm.
Bộ Giao thông vận tải tập trung nguồn lực Nhà nước để đầu tư, đồng bộ hóa hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng như: các công trình trên trục hướng tâm, các vành đai, đường kết nối các cảng biển và hành lang vận tải quốc tế...
UBND các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ phía Nam chủ động huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, tạo ra liên kết Vùng…