Dự án PPP cần được nghiên cứu kỹ về tính khả thi trước khi công bố ra thị trường. Ảnh: LTT |
Chọn dự án PPP khả thi
Theo chuyên gia Samantha Campbell, Luật sư điều hành tại Văn phòng Việt Nam của Công ty Luật quốc tế Hogan Lovells, Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP góp phần hoàn thiện khung pháp lý về PPP của Việt Nam nhưng bản thân Nghị định này không thể tự động tạo ra sự thành công cho các dự án PPP.
Năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 631/QĐ-TTg ban hành Danh mục 127 dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài tới năm 2020, trong đó có khoảng 35 dự án được xác định triển khai theo hình thức PPP.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ công bố Danh mục cập nhật các dự án PPP trong các lĩnh vực cầu đường, kết cấu hạ tầng đô thị, năng lượng, cấp nước và xử lý nước thải. Bà Samantha Campbell cho rằng, việc công bố danh sách dự án đầu tư theo hình thức PPP theo các lĩnh vực phần nào cho thấy ưu tiên của Chính phủ trong thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực này, song để có thể triển khai thành công một dự án PPP thì tính khả thi về tài chính và kỹ thuật của dự án đó cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi công bố trên thị trường.
Luật sư Lâm Quỳnh Anh, Công ty Luật quốc tế Hogan Lovells cho biết, một công cụ hữu ích trong xây dựng Danh mục dự án PPP tiềm năng là Quỹ Phát triển dự án (PDF) do Ngân hàng Phát triển châu Á và Cơ quan Phát triển Pháp tài trợ nhằm hỗ trợ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuẩn bị và đánh giá các dự án PPP này. Hiện nay, dự thảo Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quản lý Quỹ PDF quy định, Quỹ này sẽ là một quỹ quay vòng được các nhà đầu tư trúng thầu hoàn trả trước khi ký hợp đồng dự án, nghĩa là bên thắng thầu được kỳ vọng sẽ chi trả các chi phí chuẩn bị dự án.
Còn những quan ngại tiềm tàng
Theo đại diện Tiểu ban Pháp luật thuộc EuroCham, xác định và công bố các dự án cụ thể, khả thi trên thị trường là ưu tiên cao nhất nhằm duy trì động lực cho Chương trình PPP của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn cần có một quy trình triển khai nhanh chóng và hiệu quả cùng với sự hỗ trợ và phối hợp của các bộ, ngành liên quan để Chương trình thành công. Thực tế hiện nay cho thấy, năng lực hạn chế, thiếu sự phối hợp và cách tiếp cận nhất quán giữa các cơ quan Chính phủ là yếu tố bị các nhà đầu tư và nhà tài trợ quốc tế tiềm năng đánh giá là khó khăn lớn nhất khi triển khai các dự án PPP tại Việt Nam.
Lý giải cho quan ngại này, Nhóm luật sư của Công ty Luật quốc tế Hogan Lovells tại Việt Nam cho biết, dù các quy chế BOT, BT và BTO đã tồn tại ở Việt Nam gần 20 năm nhưng khung khổ pháp lý để thực hiện dự án PPP vẫn chưa được phát triển toàn diện.
Cụ thể, Nghị định mới về PPP vẫn không giải quyết được việc phân bổ rủi ro chủ chốt và một số vấn đề thương mại (bao gồm các vấn đề như tài sản thế chấp bất động sản và rủi ro chuyển đổi) và cũng không cung cấp các quy trình chi tiết cho quyền chuyển nhượng dự án/hợp đồng, dẫn đến sự không chắc chắn của các cơ quan chức năng, từ đó dẫn đến sự chậm trễ trong việc ký hợp đồng và triển khai dự án trên thực tế.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia quốc tế còn chỉ ra những quan ngại tiềm ẩn khác khi triển khai dự án PPP tại Việt Nam rằng, dường như các cơ quan chính quyền ở Việt Nam thường lẫn lộn một số nội dung khi thảo luận dự án với nhà đầu tư nước ngoài về hình thức đầu tư công truyền thống và đầu tư theo hình thức PPP; các cơ quan nhà nước thường không có kinh nghiệm hoặc am hiểu về các động lực thương mại liên quan đến nhà đầu tư tư nhân; đồng thời sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan hữu quan cũng khiến nhà đầu tư PPP lúng túng.