Ứng phó lạm phát tăng, Nhật Bản lên gói cứu trợ hơn 48 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Phần lớn gói nhất của cứu trợ - 1.500 tỷ Yên – dành cho việc ứng phó với giá dầu thô tăng cao...
Để hạn chế đà tăng của giá xăng, Tokyo sẽ nâng mức trợ cấp đối đa cho các nhà phân phối lên 35 Yên/lít, từ mức 25 Yên hiện tại - Ảnh: Reuters
Để hạn chế đà tăng của giá xăng, Tokyo sẽ nâng mức trợ cấp đối đa cho các nhà phân phối lên 35 Yên/lít, từ mức 25 Yên hiện tại - Ảnh: Reuters

Theo tin từ Nikkei Asia, Chính phủ Nhật Bản dự kiến chi 6.200 tỷ Yên (tương đương 48,2 tỷ USD) để trợ cấp xăng dầu, cho vay lãi suất thấp và hỗ trợ tiền mặt nhằm giảm tác động của tình trạng giá cả leo thang với người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ.

Trong khi Tokyo gọi đây là các giải pháp cứu trợ toàn diện, một số nhà phê bình cho rằng đó chỉ là sự khắc phục trong ngắn hạn, đặc biệt là khi các quốc gia khác đang thực hiện những thay đổi mang tính căn bản hơn về vấn đề năng lượng cũng như các yếu tố kinh tế quan trọng khác nhằm ứng phó với những tác động của cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine.

Để thực hiện gói cứu trợ nói trên, Chính phủ Nhật Bản sẽ đề xuất 2.700 tỷ Yên trong ngân sách bổ sung năm 2022 - được dự thảo tại cuối kỳ họp quốc hội đang diễn ra. Chính phủ cũng sẽ sử dụng thêm khoảng 1.500 tỷ Yên từ các quỹ dự trữ quốc gia. Cùng với sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, tổng gói cứu trợ này ước tính lên tới 13.200 tỷ Yên.

Phần lớn phần nhất trong phần chi của Chính phủ cho gói cứu trợ - 1.500 tỷ Yên – được dành cho việc ứng phó với giá dầu thô tăng cao. Để hạn chế đà tăng của giá xăng, Tokyo sẽ nâng mức trợ cấp tối đa cho các nhà phân phối lên 35 Yên/lít, từ mức 25 Yên hiện tại, đồng thời gia hạn chương trình trợ cấp tới cuối tháng 9.

Ngoài ra, khoảng 1.300 tỷ Yên dự kiến sẽ được dành để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các tổ chức tài chính với sự hậu thuẫn của Chính phủ sẽ cung cấp khoản vay lãi suất thấp hơn nữa cho những doanh nghiệp nhỏ chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Các khoản vay này có lãi suất gần như bằng 0% và không cần tài sản thế chấp. Chương trình kéo dài tới cuối tháng 9. Bên cạnh đó, một khoản trợ cấp mới cũng được dành cho các công ty tiến hành tái cơ cấu hoạt động để ứng phó với lạm phát tăng cao.

1.300 tỷ Yên khác được dành cho các chương trình hỗ trợ hộ gia đình thu nhập thấp và những đối tượng cần hỗ trợ khác, bao gồm hỗ trợ tiền mặt 50.000 Yên mỗi trẻ em. Đồng thời, Chính phủ cũng mở rộng hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan tới hoạt động đánh bắt cá, chế biến gỗ và sản xuất lúa mì nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định đối với các mặt hàng năng lượng, nguyên vật liệu và thực phẩm.

Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ đề xuất bổ sung ngân sách thêm 1.500 tỷ Yên để đưa vào các quỹ dự trữ - được dành cho các biện pháp ứng phó lạm phát. Từ mùa xuân năm 2020 – khi dịch bệnh bắt đầu lây lan, Chính phủ nước này đã duy trì quỹ dự trữ khoảng 5.000 tỷ Yên. Với các quỹ này, Chính phủ có nguồn tài chính nhanh chóng và linh hoạt để triển khai những biện pháp mới và quốc hội Nhật Bản hầu như ít giảm sát việc chi tiêu.

Gói hỗ trợ mới bao gồm khoảng 2.000 tỷ Yên cho các biện pháp đã được lên kế hoạch và dự toán ngân sách trước đó, trong đó có nỗ lực thúc đẩy hình ảnh của các điểm đến du lịch. Do đó, một số người quan ngại rằng gói này sẽ có những biện pháp không liên quan nhiều tới việc ứng phó lạm phát.

Chuyên đề