Ứng phó biến đổi khí hậu, DN không thể đứng ngoài cuộc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH). Sự gia tăng của nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN).
Đa phần các doanh nghiệp đang thiếu thông tin và những chuẩn bị cần thiết cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Vi Hồng Thái
Đa phần các doanh nghiệp đang thiếu thông tin và những chuẩn bị cần thiết cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Vi Hồng Thái

Trong bối cảnh đó, một số DN bắt đầu có sự thay đổi trong nhận thức, chiến lược, phương thức kinh doanh và tìm thấy cơ hội phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn không ít DN đang đứng ngoài cuộc.

Tác động tiêu cực ngày càng rõ

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu trước đây, DN còn khá mơ hồ, xa lạ về rủi ro thiên tai, BĐKH, thì những năm gần đây, DN ngày càng nhận thức rõ hơn về vấn đề này.

Theo Báo cáo Thích ứng để thành công - Đánh giá tác động của BĐKH đối với DN Việt Nam do VCCI phối hợp với Quỹ Châu Á tại Việt Nam, Quỹ UPS Hoa Kỳ thực hiện trên cơ sở khảo sát 10.356 DN (DN tư nhân trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài) vừa được công bố, những hiện tượng BĐKH khiến DN lo ngại nhất là nắng nóng kéo dài, mưa lớn kèm bão/áp thấp nhiệt đới và ngập lụt ở nơi trước đây hiếm khi xảy ra...

Trong thang điểm 10, các DN được thăm dò đánh giá rủi ro thiên tai và BĐKH mang lại tác động tiêu cực với hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức 4,3 điểm. Các DN có quy mô càng lớn càng nhận thấy rõ tác động tiêu cực này. Có 54% số DN được khảo sát cho rằng bị tác động tương đối nhiều/rất nhiều do bị gián đoạn sản xuất kinh doanh; 51% số DN giảm năng suất lao động do thời tiết khắc nghiệt, dẫn đến suy giảm doanh thu; 46% DN bị gián đoạn kênh vận chuyển; 44% DN tăng chi phí sản xuất kinh doanh; 38% DN bị đình trệ mạng lưới phân phối...

Các DN ở vùng duyên hải miền Trung chịu tác động từ rủi ro thiên tai và BĐKH lớn hơn cả so với các vùng còn lại. Trong các ngành kinh tế, DN ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chịu tác động lớn hơn cả. Những DN mới đi vào hoạt động là nhóm chịu tác động nhiều hơn các nhóm còn lại.

Vẫn thiếu thông tin

Trong bối cảnh gia tăng các hiện tượng khí hậu cực đoan, một số DN đã thay đổi chiến lược, phương thức kinh doanh. Theo Báo cáo của VCCI, 53% số DN được khảo sát cho biết đã gia cố, sửa chữa nhà xưởng, khu làm việc; 30% điều chỉnh giờ làm việc do thời tiết khắc nghiệt; 28% đào tạo cán bộ, nhân viên về ứng phó với rủi ro thiên tai và BĐKH; 28% tham gia công tác ứng cứu, khắc phục sau thiên tai... Một tỷ lệ đáng kể DN chọn mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro thiên tai (44,5%). Trung bình, DN sẵn sàng đầu tư 7,32% chi phí hoạt động cho việc thân thiện hơn với môi trường.

Trong thách thức, 56% số DN được khảo sát nhận thấy cơ hội. Trong đó, 30% số DN cho biết có cơ hội tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất; 18% nhận thấy cơ hội đổi mới, sáng tạo sản phẩm, dịch vụ và công nghệ mới cũng như phát triển thị trường cho sản phẩm đang có; 12% nhận thấy cơ hội xây dựng thương hiệu như sản phẩm thân thiện với môi trường, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

Tuy vậy, theo phân tích của nhiều chuyên gia, đa phần các DN đang thiếu thông tin và những chuẩn bị cần thiết cho ứng phó với BĐKH. Đồng thời, mức độ tương tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thích ứng với BĐKH giữa các DN còn hạn chế… Hiện vẫn chưa có nhiều DN nắm bắt được các chính sách, pháp luật về BĐKH và có chiến lược ứng phó nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực. Các DN cũng không biết đến các khuyến khích, ưu đãi của Nhà nước liên quan đến ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải…, nên chưa tận dụng được các ưu đãi cũng như cơ hội kinh doanh.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, động cơ quan trọng cho các DN gia tăng đầu tư để thân thiện hơn với môi trường là chất lượng lao động tại địa phương, môi trường kinh doanh thuận lợi, mong muốn gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chi phí sản xuất, kinh doanh của DN gia tăng do BĐKH. Do đó, để thúc đẩy DN gia tăng đầu tư thân thiện với môi trường, chính quyền có vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, giúp DN an tâm đầu tư; nâng cao chất lượng lao động tại các địa phương; tạo thuận lợi cho DN tận dụng các cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường ngày một ngặt nghèo hơn.

Theo khuyến nghị của bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), DN nên chủ động phân tích rủi ro BĐKH trong sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu, nghiên cứu thị trường và xác định “khẩu vị” của khách hàng về tiêu chí sản phẩm xanh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó đổi mới, sáng tạo những sản phẩm phù hợp với xu thế, đồng thời gia tăng giá trị. Do đa số DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa nên cần có sự liên kết với mạng lưới trợ giúp từ Nhà nước và các tổ chức xã hội.

Chuyên đề