Ứng dụng công nghệ số để xây dựng xã hội sáng tạo, cởi mở và bền vững

(BĐT) - Chiều 20/3, Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 (VIF19) khai mạc tại Hà Nội với chủ đề "Công nghệ số cho những điều tốt đẹp".
Đại diện Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, UNDP, UNESCO, Hiệp hội Internet Việt Nam tại buổi họp báo về VIF19. Ảnh: Lê Tiên
Đại diện Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, UNDP, UNESCO, Hiệp hội Internet Việt Nam tại buổi họp báo về VIF19. Ảnh: Lê Tiên

Các nội dung được Diễn đàn tập trung thảo luận bao gồm: chính phủ điện tử vì những điều tốt đẹp; thành phố thông minh, kết nối và bền vững; công dân số sử dụng công nghệ một cách an toàn và trách nhiệm; công nghệ và đổi thay; thúc đẩy tác động xã hội thông qua công nghệ mới.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, hai yếu tố quan trọng nhất trong xã hội Thụy Điển là sự cởi mở và minh bạch. Việc ứng dụng rộng rãi công nghệ và Internet đã giúp Thụy Điển thúc đẩy văn hóa cởi mở, tiếp cận thông tin, đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp. Do đó, từ một quốc gia nghèo nhất châu Âu, Thụy Điển đã trở thành một trong những nước sáng tạo nhất thế giới.

Theo bà Caitlin Wiesen - Quyền đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Internet sẽ là một phần thiết yếu trong việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu thứ 9, nhắm tới việc gia tăng khả năng kết nối và truy cập thông tin của công nghệ liên lạc để có được dịch vụ Internet toàn cầu, giá rẻ tại những đất nước kém phát triển vào năm 2020. Để giải quyết được những thách thức này, sự nỗ lực đổi mới, sáng tạo của những doanh nghiệp trẻ khối kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới và mạng Internet có vai trò rất quan trọng.

Còn theo ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, Việt Nam đang đứng trước nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Chính phủ đang thúc đẩy chính phủ số, đặt mục tiêu top 4 của ASEAN. Việc cho phép triển khai mạng 5G trong thời gian tới sẽ thay đổi mạnh mẽ hơn nữa bức tranh số của Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với những tiện ích, thì Việt Nam cũng đối diện với nhiều thách thức như sự xung đột giữa mô hình kinh doanh mới với các mô hình kinh doanh truyền thống, kinh doanh trực tuyến và việc đóng thuế của các mô hình mới này...

Bên cạnh đó, việc đảm bảo quyền truy cập Internet, chuẩn mực hành vi là thách thức lớn đối với Việt Nam.

Chuyên đề