Ảnh minh hoạ - Ảnh: BBC. |
Hãng tin Bloomberg dẫn nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu y khoa Ấn Độ nói rằng ở những người nhiễm Covid-19 dù đã tiêm vaccine, tỷ lệ tử vong chỉ là 0,4% và tỷ lệ phải nhập viện điều trị chưa đến 10%. Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu giải trình tự gen của 677 bệnh nhân nhiễm Covid và phát hiện thấy 86% số ca nhiễm sau khi đã tiêm đủ vaccine đều là nhiễm biến chủng Delta.
Những phát hiện này một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của tiêm vaccine trong việc ngăn chặn hậu quả cực đoan ở những bệnh nhân mắc Covid, đồng thời xoa dịu mối lo về hiệu quả của vaccine, nhất là đối với biến chủng Delta – loại đang lây lan nhanh chóng ở ít nhất 104 quốc gia trên thế giới.
Được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 10 năm ngoái, biến chủng này hiện đã trở thành biến chủng chủ đạo ở nhiều nước gồm Anh, Mỹ, và Australia, buộc nhà chức trách phải tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội.
“Nghiên cứu cho thấy rõ rằng việc tiêm phòng làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, nguy cơ phải nhập viện và nguy cơ tử vong”, báo cáo có đoạn viết. “Bởi vậy, thúc đẩy việc tiêm chủng chính là chiến lược quan trọng nhất để ngăn ngừa những làn sóng Covid-19 mới và giảm gánh nặng cho hệ thống y tế”.
Trong số 677 bệnh nhân được nghiên cứu, có 592 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine và 85 người mới tiêm 1 mũi. Loại vaccine Covid-19 được dùng chủ yếu ở Ấn Độ là Covishield - vaccine của hãng AstraZeneca sản xuất tại chỗ. Đây là loại vaccine dùng công nghệ vector và đã vấp phải một số hoài nghi về tác dụng đối với biến chủ Delta, nếu so với vaccine của hãng Pfizer và của hãng Moderna – hai loại sử dụng công nghệ mRNA được đánh giá là có hiệu quả cao hơn.
Được xem là nghiên cứu toàn quốc đầu tiên và lớn nhất của Ấn Độ về vấn đề nhiễm Covid sau khi đã tiêm phòng, nghiên cứu này cũng phát hiện những bằng chứng cho thấy hai đột biến mới của biến chủng Delta là Delta AY.1 và Delta AY.2 xuất hiện trong một số mẫu bệnh phẩm bên cạnh các biến chủng cũ hơn là Alpha và Kappa.
Hồi tháng 5, Ấn Độ chứng kiến số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày ở nước này lập kỷ lục thế giới trên 400.000 ca. Đó là giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng Covid-19 thứ hai ở Ấn Độ, khiến hệ thống y tế và các khu thiêu xác rơi vào tình trạng gần như sụp đổ. Biến chủng Delta có mức độ lây lan mạnh hơn là một nguyên nhân chính đẩy đất nước 1,3 tỷ dân chìm trong làn sóng dịch bệnh ngoài sức tưởng tượng.
Đến nay, Ấn Độ mới tiêm vaccine đầy đủ được khoảng 5,7% dân số - theo dữ liệu của Bloomberg.
Số ca nhiễm mới đang có chiều hướng tăng trở lại ở một số tiểu bang của Ấn Độ, gồm Maharashtra và Kerala, làm dấy lên lo ngại về một làn sóng Covid thứ ba ở nước này. Trong một cuộc họp hôm thứ Sáu, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói với lãnh đạo các bang rằng những biện pháp hiệu quả cần phải được triển khai gấp để ngăn dịch bùng phát trở lại.
Nghiên cứu vừa công bố cũng đưa ra các khuyến nghị chống dịch cho Chính phủ Ấn Độ, bao gồm đẩy mạnh công tác giải trình tự gen và theo dõi các ca nhiễm sau khi đã tiêm vaccine.
“Những biện pháp theo dõi như vậy sẽ giúp chúng ta hiểu được sự cần thiết phải điều chỉnh những vaccine hiện có cũng như phát triển những vaccine mới để mang lại sự bảo vệ tốt hơn nhằm chống lại các biến chủng của Sars-CoV-2”, báo cáo viết.