Tỷ giá giảm nhiệt, lãi suất có thể tiếp tục tăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nối tiếp đà tăng từ tháng 4 đến cuối tháng 7, nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động 0,5 - 0,9 điểm % trong nửa đầu tháng 8. Trong khi đó, các động lực chính thúc đẩy đà tăng lãi suất gồm tỷ giá và tăng trưởng tín dụng đều có dấu hiệu giảm nhiệt.
Nguồn: NHNN, Bloomberg, MBS Research
Nguồn: NHNN, Bloomberg, MBS Research

Giới phân tích cho rằng, tỷ giá giảm nhiệt tạm thời và có thể tăng trở lại vào cuối năm, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ tăng tốc do nhu cầu vốn cho sản xuất và đầu tư cải thiện, do đó, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm.

Thống kê từ Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng tại TP.HCM cho biết, trong 3 tuần (từ ngày 29/7 - 16/8) có 15/36 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, 4 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất.

Theo đó, DongABank là ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm mạnh nhất, với mức tăng là 0,9% cho kỳ hạn 12 tháng, đưa lãi suất tiền gửi tiết kiệm của kỳ hạn này lên mức 5,45%. Đây cũng là mức lãi suất huy động cao nhất tại DongABank.

Ngoài kỳ hạn trên, DongABank cũng điều chỉnh tăng thêm 0,5% tại các kỳ hạn từ 1 - 9 tháng, qua đó đưa lãi suất của các kỳ hạn này dao động trong khoảng từ 3,3%/năm - 4,85%/năm.

Các ngân hàng còn lại điều chỉnh lãi suất huy động tăng nhẹ từ 0,1 - 0,3%, cho các kỳ hạn từ 1 - 60 tháng, đối với cả tiền gửi tại quầy và tiền gửi trực tuyến.

Một số ngân hàng như Techcombank, OCB, SeABank, ABBank giảm nhẹ lãi suất (từ 0,05 - 0,25%) cả hình thức gửi tiết kiệm tại quầy và gửi tiết kiệm trực tuyến.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán MB (MBS), tính đến ngày 31/7, tổng cộng đã có 20 ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1% - 0,7%, lãi suất ở một vài ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm.

Trong khi đó, hai yếu tố chính tác động đến biến động lãi suất là tăng trưởng tín dụng và tỷ giá đều có dấu hiệu giảm nhiệt. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 6 đạt khoảng 6% so với cuối năm 2023. Tính đến ngày 22/7/2024, tăng trưởng tín dụng tăng 5,33 % so với cuối năm 2023.

Về tỷ giá, ngày 21/8, tỷ giá trung tâm được NHNN công bố giữa VND với USD ở mức 24.246 đồng, giảm 5 đồng so với ngày 20/8. Với biên độ +/-5%, tỷ giá USD/VND được giao dịch ở mức từ 23.033 đồng đến 25.458 đồng.

Nhóm nghiên cứu của MBS nhận định, tỷ giá đang trên đà giảm. Theo đó, chỉ số DXY (thước đo sức mạnh đồng USD so với các đồng tiền mạnh khác) suy yếu cùng với sự can thiệp hiệu quả của NHNN thông qua việc bán ngoại hối đã giảm bớt áp lực lên tỷ giá USD/VND trong tháng 7. Kể từ cuối tháng 4 đến ngày 3/7, NHNN đã bán khoảng 6,5 tỷ USD nhằm kiềm chế gia tăng áp lực lên tỷ giá. Hơn nữa, việc NHNN duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao cũng góp phần giúp giảm chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, qua đó hỗ trợ chống lại sự mất giá của VND.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND chịu áp lực tăng khá lớn khi lãi suất VND vẫn ở mức thấp. Tỷ giá USD/VND có lúc tăng đến 5%. Dù chịu áp lực của tỷ giá, nhưng lãi suất vẫn giữ ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Do đó, khi tỷ giá giảm nhiệt với mức tăng chỉ cỏn khoảng 3,8% so với đầu năm hỗ trợ tốt cho nỗ lực giữ mặt bằng lãi suất thấp. Tuy nhiên, lãi suất chưa thể giảm ngay bởi tỷ giá có thể chỉ giảm tạm thời và sẽ tăng trở lại trước mùa vụ nhập hàng nguyên vật liệu cuối năm. Trong khi đó, nhu cầu vốn vẫn tăng cao, ngân hàng cần huy động vốn tín dụng để thúc đẩy giải ngân nên lãi suất khó có thể giảm thêm.

Theo dự báo của MBS, cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm nên lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, lên mức 5,2% - 5,5% vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Chuyên đề