Từng bước hiện thực hóa mục tiêu 50.000 kỹ sư bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại TP.HCM, nhiều phiên khởi động chiến lược của Quỹ đổi mới và an ninh công nghệ quốc tế (ITSI) trong ngày 16 và 17/9/2024 đã thu hút sự tham gia của đông đảo các địa phương và trường đại học trọng điểm. Theo đó, nhằm thúc đẩy vai trò trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, Việt Nam cần tập trung tối đa và phát triển nguồn nhân lực cũng như chính sách công cho lĩnh vực này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Việt Nam đang có nhiều lợi thế với sự tham gia của hàng chục doanh nghiệp bán dẫn. Cụ thể, hiện cả nước có hơn 40 công ty thiết kế, khoảng 20 doanh nghiệp lĩnh vực đóng gói, kiểm thử, sản xuất thiết bị ngành bán dẫn. Đồng thời, Việt Nam có những đối tác lớn về thiết kế bán dẫn với số lượng kỹ sư tham gia đông đảo.

“Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ đang ở khâu hoàn thiện cuối cùng. Theo đó, Đề án xác định mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư, cử nhân ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch và 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực đóng gói, kiểm thử, sản xuất thiết bị... Việt Nam coi phát triển nguồn nhân lực là đột phá của đột phá để phát triển công nghiệp bán dẫn. Dự thảo chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đã xác định nguồn nhân lực là một trong những điểm mạnh của Việt Nam. Việt Nam là nơi đào tạo cung cấp nhân lực bán dẫn ở trong nước và thế giới. Đặc biệt, Dự thảo có định hướng phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn để Việt Nam trở thành một hub về đào tạo nguồn nhân lực”, ông Hoài nhấn mạnh.

Thực tế, với hệ thống các trường đại học trọng điểm, chuyên ngành và mạng lưới cao đẳng nghề chuyên sâu, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được lộ trình mà Đề án đặt ra nếu có cách triển khai khoa học, kịp thời. Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam hiện có 160 trường chuyên ngành đào tạo kỹ thuật công nghệ và 134.000 sinh viên đầu vào mỗi năm tham gia ngành công nghệ, trong đó có 1.400 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành vi mạch bán dẫn hàng năm. Đây là những lợi thế ban đầu về nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và là cơ sở để Việt Nam có thể đạt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành này.

Nắm bắt nhu cầu lớn về nhân sự của ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch, trong năm học 2024 - 2025, nhiều trường trong hệ thống Đại học Quốc gia TP.HCM đã tăng chỉ tiêu đào tạo sinh viên các khối ngành liên quan lên gấp đôi. “Nếu như các năm trước, Trường chỉ đào tạo chỉ tiêu khoảng 700 sinh viên thì đến năm học này đã tăng lên 1.400 sinh viên. Với chất lượng đào tạo đứng đầu về công nghệ thông tin, các lĩnh vực rất gần với bán dẫn, vi mạch, cùng sự hợp tác quốc tế, trao đổi thường xuyên với doanh nghiệp, lứa sinh viên của Trường hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu”, đại diện Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ.

Thực tế, công tác chuẩn bị đội ngũ nhân sự cho ngành bán dẫn hiện nay đã được các địa phương đặc biệt quan tâm. Theo ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng, Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch TP. Đà Nẵng nêu rõ, mục tiêu đến 2030, Đà Nẵng sẽ đào tạo khoảng 5.000 nhân lực cho ngành này (gồm 4.200 kỹ sư, 750 thạc sỹ, 50 tiến sỹ). Đây là các mục tiêu được xác định trên nhu cầu thật của các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Đà Nẵng. Đồng thời, các trường đại học trên địa bàn Thành phố đang hợp tác đào tạo quốc tế với các đối tác lớn như Hàn Quốc, Hoa Kỳ…

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai Trần Vũ Hoài Hạ cho biết, Tỉnh đã nắn dòng thu hút vốn đầu tư FDI sang các nhóm ngành sản xuất bán dẫn, cơ khí chế tạo, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, linh kiện điện tử… Hiện Đồng Nai có 3 dự án lĩnh vực bán dẫn do doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư với số vốn hơn 127 triệu USD. Để đáp ứng nhu cầu nhân sự tại 3 dự án này, Đồng Nai đã sớm liên hệ với các trường đại học để đặt hàng nhu cầu đào tạo. Trong giai đoạn 2025 - 2030, Đồng Nai sẽ liên tục đưa vào sử dụng các dự án trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng, quốc tế như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển Phước An… Do đó, để phát huy hiệu quả đầu tư, tăng tính cạnh tranh, Đồng Nai sẽ dồn mọi ưu tiên cho phát triển nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực này.

Đạo luật CHIPS của Hoa Kỳ năm 2022 đã thành lập Quỹ ITSI để củng cố chuỗi cung ứng bán dẫn quan trọng đối với ngành công nghiệp Hoa Kỳ. Đại học Tiểu bang Arizona, được Cục Kinh tế và Kinh doanh thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lựa chọn, sẽ dẫn đầu các nỗ lực nhằm tăng cường lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói bán dẫn (ATP) tại các quốc gia đối tác chính trên khắp châu Mỹ và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong Chương trình Đa dạng hóa chuỗi cung ứng bán dẫn với mục đích cải thiện môi trường kinh doanh, mở rộng lực lượng lao động có tay nghề.

Việt Nam là 1 trong 8 quốc gia chiến lược được lựa chọn cho sáng kiến này, cùng với Costa Rica, Mexico, Panama, Indonesia, Philippines, Kenya và Ấn Độ, tất cả đều được Cục Kinh tế và Kinh doanh thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hỗ trợ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tài trợ 13,8 triệu USD để thúc đẩy phát triển nhân tài và xây dựng các khuyến nghị về chính sách công trên khắp các quốc gia này.

Chuyên đề