Tự hào doanh nhân đất Việt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021, giữa những ngày khó khăn, chúng ta vẫn có tin vui. Tạp chí Forbes, vào tháng 4/2021, đã công bố xếp hạng hơn 2.700 tỷ phú giàu nhất thế giới, Việt Nam có 6 tỷ phú góp mặt trong danh sách này, nhiều hơn 2 vị so với năm 2020.
Vinfast gây ấn tượng khi tham dự Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES) 2022 tại Las Vegas (Mỹ) với việc trình làng nhiều mẫu ô tô điện. Ảnh: Đông Giang
Vinfast gây ấn tượng khi tham dự Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES) 2022 tại Las Vegas (Mỹ) với việc trình làng nhiều mẫu ô tô điện. Ảnh: Đông Giang

Người đầu tiên được xếp hạng là Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, với tổng tài sản trị giá 7,3 tỷ USD, đứng vị trí 344. Tiếp theo là CEO Hãng hàng không VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo với tài sản 2,8 tỷ USD, cao hơn mức 2,1 tỷ USD năm 2020; Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long: 2,2 tỷ USD; Chủ tịch THACO Trần Bá Dương: 1,6 tỷ USD; Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh: 1,6 tỷ USD; Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang: 1,2 tỷ USD.

Bảng xếp hạng này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phát triển, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Các doanh nhân Việt Nam vẫn đang tiếp tục phát đạt, có tổng tài sản ngày càng lớn. Vẫn còn chừng 5, 6 doanh nhân nữa đang sở hữu khối tài sản từ 0,93 đến 1,21 tỷ USD có thể sẽ làm dài thêm danh sách này trong năm 2022.

Việt Nam hiện có hơn 800.000 doanh nghiệp, hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh và đội ngũ doanh nhân lên đến gần 10 triệu người. Đó là dư địa lớn cho sự xuất hiện nhiều hơn nữa những tỷ phú với các thương hiệu quốc gia trong tương lai.

Có hai thời điểm, cách nhau đến 100 năm, xuất hiện nhiều người giàu có ở Việt Nam với tư cách là những chủ thể kinh tế tư nhân. Đó là khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX khi nhiều nhà tư sản dân tộc, thời đó được gọi là doanh gia, trở thành ngọn cờ đầu của thương nghiệp nước nhà; và hiện nay, đầu thế kỷ XXI xuất hiện những tỷ phú đô la, được gọi là doanh nhân, CEO, chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế tư nhân.

Cách nhau cả một thế kỷ mới lại có cơ hội để nhiều người nỗ lực trở thành giàu có, tên tuổi được xã hội tôn vinh. Ở giữa hai cơ hội ấy là dằng dặc thời gian chiến tranh, cơ hàn, đau thương, rồi trăn trở, đổi mới, vượt lên… Tài trí, khát vọng, quyết tâm làm giàu thì người dân Việt thời nào cũng có, cũng bền bỉ, nung nấu… Nhưng muốn giàu lớn thì phải gặp cơ hội lớn. Hiểu rõ điều này, những doanh nhân thời nay sẽ quý trọng, nâng niu cơ hội, càng nỗ lực hơn vì may mắn đắc thời của mình mà làm giàu cho mình và cho đất nước.

***

Một điểm tương đồng lý thú là các nhà tư sản, các đại doanh gia xuất hiện thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở nước ta đều nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc, rất giàu ý chí và khát vọng chấn hưng văn hóa, mong muốn góp phần bồi đắp dân trí. Một điều nữa, các doanh gia thời trước đều rất trọng thị, có mối quan hệ thân thiết và tâm huyết với văn nhân, nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ, những người làm giàu tri thức và văn hóa dân tộc…

Đánh giá về Bạch Thái Bưởi, một doanh gia hàng đầu thời kỳ này, Hội Khai Trí Tiến Đức đã vinh danh: “Cụ là một bậc vĩ nhân đất Bắc, một bậc trượng phu nơi thương trường mà cuộc đời của cụ đáng phô bày cho quốc dân, sự nghiệp của cụ đáng làm gương cho các nhà buôn bán noi theo”. Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố, thủ lĩnh Hội Truyền bá quốc ngữ thì viết: “Bạch Thái Bưởi là bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà”. Một doanh gia được cả hai tổ chức văn hóa tinh túy nhất của quốc gia thời đó vinh danh một cách trân trọng và chí lý đến như thế gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm.

Hành trình sóng gió của các doanh gia thời trước luôn nhận được sự động viên, khích lệ của giới tinh hoa. Cuộc cạnh tranh của Bạch Thái Bưởi với các chủ tàu biển người Pháp, người Hoa có sự đồng hành, cổ vũ của báo chí.

Các doanh nhân thời nay liệu có đạt tới những đóng góp cho phát triển cả về chiều sâu và tầm cao như trong quá khứ không, có thực sự bền vững lâu dài hay không? Câu trả lời nằm ở việc các doanh nhân, doanh nghiệp ấy có xây dựng được hay không những giá trị văn hóa nhân bản trong hoạt động kinh doanh của mình.

Văn hóa doanh nhân là một hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần do chủ thể kinh doanh, là các doanh nhân, tạo nên trong nội tại doanh nghiệp và tỏa sáng ra môi trường kinh doanh qua những ứng xử với thị trường và xã hội.

Văn hóa doanh nhân chính là nền tảng, là rường mối, bệ đỡ cho sự phát triển đúng đắn, giúp doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh lựa chọn chính xác đường hướng, lĩnh vực và đối tác để trụ vững trước những thách thức và tăng tốc khi gặp cơ hội và điều kiện thuận lợi.

***

Trong khoảng hai chục năm qua đã xuất hiện nhiều doanh nhân mang lại niềm tự hào cho đất nước. Nhưng bên cạnh đó, cũng phải nói rằng có những doanh nhân đã để đồng tiền thống trị họ. Họ lợi dụng những khe hở trong quản lý, trong luật pháp, chộp lấy thời cơ và phất lên. Có những người chỉ sau một cơn “xáo trộn” thời thế đã có khối tài sản khổng lồ. Có những công ty, tập đoàn mà sự phát triển của họ lại trở thành mối đe dọa lớn đối với môi trường thiên nhiên và môi trường văn hóa của đất nước.

Giữa nhiều tiền và giàu có là một khoảng cách mênh mông. Khoảng cách này chỉ có thể lấp đầy bằng văn hóa. Văn hóa làm nên vẻ đẹp của giàu có. Không có văn hóa, kẻ nhiều tiền chỉ là trọc phú, luôn phô bày nhưng kệch cỡm.

Với mỗi doanh nhân, doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ cộng với văn hóa kinh doanh sẽ làm nên thương hiệu của riêng mình, để góp chung vào thương hiệu quốc gia. Thương hiệu có thể nổi lên rất nhanh và chìm đi cũng rất nhanh. Thương hiệu tồn tại lâu dài dựa trên nền tảng văn hóa của người tạo ra và làm chủ thương hiệu, trong đó không thể thiếu những yếu tố như sự liêm chính, chân thành và cống hiến cho cộng đồng người tiêu dùng.

Sáng tạo và xây dựng được những giá trị văn hóa mới, góp phần vào văn hóa kinh doanh chung, các doanh nhân, ngoài tài trí, còn phải là người có phẩm tính văn hóa cao cả. Những người có văn hóa cao là bởi họ biết tự học hỏi, biết cách thấm lấy những giá trị từ nền văn hiến đặc sắc của dân tộc và những bồi bổ qua quá trình hội nhập toàn cầu. Những doanh nhân có văn hóa cao là những người bản lĩnh, một mặt kiên định với mục tiêu kinh doanh đã đặt ra, mặt khác vững vàng trước những cám dỗ của tha hóa và vong bản. Trong thời đại hiện nay, người ta nói “thương trường là chiến trường”. Nghĩa chiến trường ở đây giờ lại thêm một ý nghĩa mới, đó là cuộc chiến với tha hóa và vong bản để giữ gìn nhân cách trước khi tiến đến những thành công trong kinh doanh.

Thời gian gần đây, chúng ta đã nói tới danh xưng “doanh nhân dân tộc”, “doanh nhân văn hóa”. Khái niệm “dân tộc” và “văn hóa” được gắn với doanh nhân như những hàm nghĩa mang đến niềm tự hào. Đó là cách tôn vinh những doanh nhân chính trực, tài trí cao, mang lại cảm hứng cho cộng đồng, là tấm gương cho công cuộc khởi nghiệp, làm giàu và hướng đến cộng đồng trong phát triển thịnh vượng, nâng tầm dân tộc Việt Nam, nâng cao vị thế của đất nước trên bình diện khu vực và quốc tế.

Bằng văn hóa doanh nhân và văn hóa kinh doanh, các doanh nhân còn là sứ giả tin cậy của văn hóa, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới và làm cho những giá trị văn hóa cao đẹp, đáng ngưỡng mộ lan tỏa rộng rãi tới đời sống xã hội, góp phần vào công cuộc chấn hưng văn hiến, tạo nên sự bền vững trường tồn của quốc gia.

Chuyên đề