Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trả lời họp báo trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Thượng Hải, ông Chu Tiểu Xuyên khẳng định Trung Quốc sẽ không để các chính sách kinh tế vĩ mô của mình quá lệ thuộc vào hoạt động kinh tế ở bên ngoài hoặc dòng vốn.
Ông nhấn mạnh Trung Quốc luôn phản đối việc giảm giá đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu. Theo ông, năm ngoái xuất khẩu của Trung Quốc đạt mức cao và thặng dư thương mại gần 600 tỷ USD.
Ông Chu Tiểu Xuyên thừa nhận Trung Quốc đang chịu áp lực về nợ khi tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tương đối cao, đặt ra thách thức cho việc quản lý kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, theo ông, các nhà quan sát cần cân nhắc 3 yếu tố quan trọng ngoài mức nợ cao này.
Thứ nhất, tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc ở mức gần 50%, cao hơn nhiều so với mức 10% tại nhiều nước. Đa số các khoản tiết kiệm này được đầu tư vào hệ thống ngân hàng và thị trường trái phiếu. Những tổ chức tài chính này đã biến các khoản tiết kiệm thành nợ và đẩy mức nợ lên cao.
Thứ hai, thị trường chứng khoán non trẻ của Trung Quốc có lượng giao dịch cổ phiếu còn hạn chế, vì thế nợ vẫn là công cụ tài chính quan trọng.
Thứ ba, việc tích lũy làm giàu tại Trung Quốc mới chỉ bắt đầu vào cuối những năm 1970 khi quốc gia này bắt đầu mở cửa và cải cách. Khi người dân và các doanh nghiệp giàu có hơn, họ sẽ vay tiền ít hơn để đầu tư.
Ông Chu Tiểu Xuyên khẳng định "nền tảng kinh tế của Trung Quốc vẫn mạnh."
Kinh tế Trung Quốc năm ngoái đạt mức tăng trưởng 6,9%, thấp nhất kể từ năm 1990. Bắc Kinh đã thực hiện một loạt động thái để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó 6 lần cắt giảm lãi suất kể từ tháng 11/2014 và giảm lượng dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, đồng thời tăng chi tiêu vào một số lĩnh vực.
Nhiều nhà phân tích dự kiến Trung Quốc sẽ có thêm các biện pháp để thúc đẩy kinh tế./.