Dự án nhóm C không phải lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Ảnh: Nhã Chi |
Trong đó, dự án công nghệ cao được quy định theo hướng mở, linh hoạt hơn, còn dự án BT theo hướng quản lý chặt chẽ hơn.
Nghị định 15/2015/NĐ-CP không quy định trình tự thực hiện riêng cho các dự án PPP trong lĩnh vực công nghệ cao. Việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư cho dự án PPP công nghệ cao được thực hiện sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án nhóm C, giống như các dự án PPP thuộc lĩnh vực khác.
Tổng kết từ thực tiễn triển khai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, đối với dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo loại hợp đồng BOT, việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện trên cơ sở danh mục dự án thuộc Quy hoạch điện lực quốc gia; nhà đầu tư trúng thầu sẽ được giao lập BCNCKT.
Bên cạnh lĩnh vực năng lượng với yêu cầu kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng, một số lĩnh vực khác cũng có yêu cầu công nghệ, kỹ thuật cao như xử lý rác thải công nghiệp, công nghệ thông tin... và thường do bên cung cấp thiết bị đưa ra các thông số về kỹ thuật, công nghệ. Do đó, việc Nhà nước thiết kế sẵn yêu cầu kỹ thuật, công nghệ trong BCNCKT để lựa chọn nhà đầu tư sẽ mang tính “áp đặt”, không phù hợp với thực tế dự án. Điều này có thể dẫn tới sự lãng phí về thời gian và tài chính khi Nhà nước lập BCNCKT đối với những dự án này và không hấp dẫn, thu hút được nhà đầu tư.
Trong khi đó, dự án PPP thuộc các lĩnh vực khác sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư sau khi phê duyệt BCNCKT. Dự án nhóm C không phải lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, nhưng phải công bố dự án sau khi BCNCKT được duyệt.
Theo đánh giá của nhiều địa phương, quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cụ thể để trong trường hợp các dự án cần áp dụng kỹ thuật công nghệ mới, phức tạp và đặc thù thì bộ, ngành và UBND cấp tỉnh có thể linh hoạt hơn trong triển khai, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư ngay sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí trong giai đoạn lập dự án mà vẫn có thể lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm phù hợp.
Một doanh nghiệp trong lĩnh vực xử lý rác thải công nghệ cao đánh giá, trình tự thực hiện mới này sẽ giúp tận dụng được trí tuệ, sáng tạo, công nghệ mới của doanh nghiệp, góp phần nâng đỡ, phát triển các công nghệ mới.
NĐ 63/2018 cũng quy định trình tự thực hiện riêng đối với dự án BT, nhưng theo hướng quản lý chặt chẽ hơn chất lượng và giá trị công trình. Đối với dự án BT, việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện sau khi phê duyệt thiết kế và dự toán. Quy định này để bảo đảm khi tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, giá trị công trình BT là tương đối chính xác. Đồng thời, quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư phải được xác định và phê duyệt trong BCNCKT, làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Từ đó có thể tránh việc định giá công trình cao, xác định giá đất thấp, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực quốc gia (đặc biệt là nguồn lực đất đai).