Triển vọng sáng cho kinh tế Việt Nam năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh kinh tế quốc tế nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn ghi nhận những tín hiệu phục hồi khá rõ nét. Các tổ chức quốc tế và giới phân tích cho rằng, quyết tâm tháo gỡ khó khăn cùng các giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ sẽ là những yếu tố tạo ảnh hưởng tích cực với tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và tạo đà cho bước tiến của Việt Nam trong trung hạn.
Tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam dự báo đạt 5 - 5,2%, gần như cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Lê Tiên
Tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam dự báo đạt 5 - 5,2%, gần như cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Lê Tiên

Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Fitch) vừa công bố nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng “Ổn định” từ mức BB với triển vọng “tích cực”. Fitch nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trên cơ sở ghi nhận triển vọng tăng trưởng thuận lợi trong trung hạn, được củng cố bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ.

Theo Fitch, những thách thức đối với nền kinh tế từ khó khăn trên thị trường bất động sản, nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ ít tác động đến triển vọng kinh tế vĩ mô trong trung hạn. Cùng với đó, dư địa chính sách dồi dào sẽ góp phần kiểm soát rủi ro trong ngắn hạn.

Trong trung hạn, Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xu hướng tích cực nhờ động lực tăng trưởng từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nguồn lao động dồi dào. Bên cạnh đó, việc tham gia vào mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng khắp của khu vực và toàn cầu trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng và việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” sẽ tiếp tục thúc đẩy thu hút FDI mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.

Theo Fitch, với việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế sẽ lấy lại đà tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Giới phân tích cho rằng, việc Fitch nâng định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đối mặt với các thách thức về suy giảm tăng trưởng kinh tế, thương mại cũng như sự gia tăng các rủi ro về tài chính ở nhiều quốc gia đã thể hiện sự đánh giá hết sức tích cực của cộng đồng quốc tế về nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam thời gian qua nhằm ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế.

Theo nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VCBS, nhận thấy các khó khăn đối với nền kinh tế, Chính phủ đã và đang có nhiều biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa như tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, gia hạn thời gian giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Với chính sách tiền tệ, việc kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân là định hướng xuyên suốt và được ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước. “Các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ sẽ tạo ảnh hưởng tích cực lên tăng trưởng năm 2024, với dự báo GDP năm tới sẽ đạt 6 - 6,5%”, VCBS dự đoán.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) cho rằng, những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ gần đây cho thấy quyết tâm thúc đẩy kinh tế, khơi thông các động lực tăng trưởng trong nước.

Những động lực tăng trưởng của nền kinh tế như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, đầu tư đã bắt đầu phục hồi và lấy lại đà tăng. Ảnh: Lê Tiên

Những động lực tăng trưởng của nền kinh tế như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, đầu tư đã bắt đầu phục hồi và lấy lại đà tăng. Ảnh: Lê Tiên

Về vĩ mô, các chính sách giảm thuế VAT, giãn hoãn các khoản thuế, phí, cũng như các nghị quyết và chỉ đạo liên tục tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đã phát huy hiệu quả nhất định trong việc kích cầu tiêu dùng trong nước, qua đó góp phần khôi phục từng bước đà phục hồi tăng trưởng của quý II và quý III năm 2023. Sự gia tăng đầu tư công nói chung và những nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công được coi là một điểm sáng thành công của năm 2023 so với các năm trước đó.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, Việt Nam không thể tránh được những tác động bất lợi, song tín hiệu phục hồi của nền kinh tế hiện khá rõ nét.

Về xuất khẩu, những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm tới 26% nhưng đến thời điểm này, mức giảm chỉ còn dưới 6%. Tương tự, chỉ số sản xuất công nghiệp thời điểm đầu năm có lúc tăng trưởng âm đến 15%, nhưng hiện đã đạt mức tăng 1%. “Đó là những chỉ báo cho thấy nền kinh tế đang tốt lên, bắt đầu phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng tích cực”, ông Lực nói.

Cũng theo ông Lực, đầu tư công đang triển khai rất tốt, nhưng đầu tư tư nhân chưa như kỳ vọng, chỉ đạt khoảng trên 3%, trong khi thông thường mức tăng vào khoảng 6 - 7%. Do đó, thời điểm này cần có các biện pháp để phục hồi đầu tư của khối tư nhân.

Nền kinh tế có nhiều động lực tăng trưởng giai đoạn 2023 - 2024, như sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu; thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại; dịch vụ, tiêu dùng tăng khá; đầu tư công được đẩy mạnh, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách vẫn còn; lạm phát và lãi suất đang giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát… Năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt trên 5 - 5,2%, dù thấp hơn so với chỉ tiêu 6 - 6,5% nhưng vẫn ở mức tăng trưởng gần như cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế thế giới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ, nhưng Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi ở mức 6 - 6,5%.

Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng, nền kinh tế vẫn còn những rủi ro, cần chú trọng giám sát để có giải pháp ứng phó kịp thời. Đó là, rủi ro về địa chính trị tác động đến lĩnh vực đầu tư, xuất khẩu, du lịch. Lạm phát và lãi suất dù kiểm soát tốt nhưng vẫn ở mức cao, giải ngân vốn đầu tư công chưa có sự đột phá. Doanh nghiệp trong nước gặp khó về nhiều mặt đòi hỏi phải đẩy mạnh cơ cấu lại, đa dạng hóa nguồn vốn, nâng cao tính thích ứng, và nhất là nhanh chóng chuyển đổi theo hướng xanh hóa và số hóa.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư