TP.HCM ngổn ngang dự án sử dụng vốn vay

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Làm việc với lãnh đạo TP.HCM, mối quan tâm hàng đầu của Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) Carolyn Turk là tiến độ các dự án mà nhà tài trợ này dành cho Thành phố. Mặc dù đã có nhiều cam kết và nỗ lực, thực tế các dự án sử dụng vốn ODA tại TP.HCM đang trì trệ, chậm tiến độ, thậm chí có dự án tiến thoái lưỡng nan.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị chấm dứt Dự án buýt nhanh BRT số 1 vì nhiều yếu tố liên quan chưa đồng bộ, khó đảm bảo hiệu quả khi khai thác. Ảnh: Lê Tiên
Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị chấm dứt Dự án buýt nhanh BRT số 1 vì nhiều yếu tố liên quan chưa đồng bộ, khó đảm bảo hiệu quả khi khai thác. Ảnh: Lê Tiên

Dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM (Dự án buýt nhanh BRT số 1) đang “rối như tơ vò” và chưa có quyết định cuối cùng. Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa kiến nghị chấm dứt Dự án vì quá nhiều yếu tố liên quan chưa đồng bộ, khó đảm bảo hiệu quả khi khai thác. Trong khi đó, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án là Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đề xuất dừng đầu tư hệ thống xe buýt nhanh BRT và tập trung phát triển hệ thống xe buýt chất lượng cao.

Đây là dự án mà WB và Chính phủ Thụy Sỹ dành nhiều quan tâm nhằm cải thiện năng lực giao thông công cộng cho Thành phố. Dự án có chiều dài tuyến 26 km, chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt với tổng vốn đầu tư 143 triệu USD, trong đó hơn 121,2 triệu USD là vốn vay WB, còn lại là vốn đối ứng trong nước. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2022.

Theo báo cáo của Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, nếu Thành phố tạm dừng thực hiện Dự án, có tới 12 hợp đồng tư vấn với các nhà thầu cả trong và ngoài nước đang thực hiện đều phải chấm dứt. Điều này cũng đồng nghĩa WB sẽ chấm dứt nguồn vốn cho Dự án, bao gồm nguồn vốn ODA và nguồn vốn viện trợ không hoàn lại. Thành phố phải chuẩn bị ngân sách nếu muốn triển khai Gói thầu BRT1-CS9 Mạng lưới xe bus toàn Thành phố. Ngoài ra, việc này còn ảnh hưởng đến công tác đền bù, tái định cư của Dự án khi đã chi trả, bồi thường cho 16/19 hồ sơ.

Trong khi đó, Sở GTVT TP.HCM quan ngại việc chấm dứt dự án này sẽ khiến dừng luôn Dự án Hỗ trợ kỹ thuật tư vấn nghiên cứu lập quy hoạch khu đô thị sáng tạo TP. Thủ Đức đã được WB tài trợ.

Trong 3 phương án Chủ đầu tư đưa ra đối với Dự án buýt nhanh BRT số 1, Sở GTVT cho rằng, việc chấm dứt Dự án để dồn nguồn lực cho mạng lưới xe bus công cộng hiện tại có tính khả thi hơn. Bởi theo Sở GTVT, nếu thương thảo thành công với các nhà tài trợ, TP.HCM có thể tiếp tục sử dụng các nguồn vốn của Dự án BRT phát triển mạng lưới xe buýt chất lượng cao hoặc một loại hình vận tải hành khách công cộng phù hợp nhất với bối cảnh hiện tại.

Trong khi đó, Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2 cũng đang gặp nhiều khó khăn. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 11.133 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 9.560 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của Thành phố. Báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) cho thấy, nhiều gói thầu quan trọng của Dự án như: Gói thầu XL-03 (xây dựng hệ thống thoát nước chung cấp 2, cấp 3 thuộc lưu vực 6) phải thay thế nhà thầu giữa chừng; Gói thầu XL-02 Xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè có giá 307 triệu USD, được Chủ đầu tư ký hợp đồng với Liên danh Acciona Agua (Tây Ban Nha) - Vinci Construction Grands (Pháp) từ tháng 3/2019 nhưng tốc độ triển khai rất chậm. Trước sự thúc giục của nhà tài trợ, TP.HCM đã nhiều lần xin lùi thời điểm hoàn thành Dự án đến năm 2024.

Một số dự án khác sử dụng vốn vay như tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) liên tục gia hạn thời điểm hoàn thành.

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận, các dự án sử dụng vốn vay của TP.HCM chậm vì cả lý do chủ quan lẫn khách quan. Nhiều quy hoạch điều chỉnh, chồng chéo, vướng mắc giải phóng mặt bằng, các thủ tục phát sinh vượt tầm xử lý của Thành phố. Trong khi đó, năng lực của chủ đầu tư và các đơn vị thi công tại nhiều thời điểm không đáp ứng yêu cầu.

“Hiện Thành phố đang thực hiện 9 dự án ODA, có 6 dự án nhóm A, 3 dự án nhóm B với tổng vốn phân bổ là 123.000 tỷ đồng. Nhưng trong 2 năm qua, TP.HCM đã bị ngưng trệ nhiều hoạt động, trong đó có lĩnh vực xây dựng. Có thời điểm cả Thành phố chỉ duy trì thi công vài công trình cấp bách. Do đó, ngay khi khởi động lại, chính quyền TP.HCM, các cấp, ngành luôn coi tăng tỷ lệ giải ngân, tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công, đặc biệt là dự án ODA là nhiệm vụ hàng đầu, gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu”, ông Hoan khẳng định.

Chuyên đề