TP.HCM: Lệch pha cung cầu đang làm méo mó thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình trạng “lệch pha cung cầu” đi đôi với “lệch pha phân khúc” đang làm méo mó thị trường bất động sản TP.HCM. Xem ra, để tìm một giải pháp giúp thị trường phát triển hài hòa, không bất tương xứng, chẳng phải chuyện dễ.
Thị trường TP.HCM rất thiếu nhà ở bình dân có giá dưới 2 tỷ đồng/căn, thiếu luôn cả nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân. Ảnh: Ngô Bảo Tín
Thị trường TP.HCM rất thiếu nhà ở bình dân có giá dưới 2 tỷ đồng/căn, thiếu luôn cả nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Thị trường bất động sản TP.HCM cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đã thích ứng và từng bước phục hồi trở lại nhưng cũng chỉ bằng 44% so với cùng kỳ năm 2017. Hiện, thị trường bất động sản đang có một số dấu hiệu đáng quan ngại, nhất là tình trạng “lệch pha cung cầu”, rất thiếu nguồn cung dự án, nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nguồn cung nhà ở giảm liên tục từ năm 2018 đến nay. Nếu so sánh với năm 2017 - năm thị trường bất động sản TP.HCM có nguồn cung cao nhất với 42.991 căn nhà, thì nguồn cung năm 2018 chỉ bằng 65,8%, năm 2019 chỉ bằng 53,6%, năm 2020 chỉ bằng 39,2%, năm 2021 chỉ bằng 33,6%.

Trong nửa đầu năm 2022, kinh tế TP.HCM phục hồi và tăng trưởng ấn tượng, với nhiều lĩnh vực tăng vượt chỉ tiêu kế hoạch. Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh bất động sản lại giảm 5,82% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, nguồn cung nhà ở cũng chỉ bằng 44% so với cách đây 5 năm.

Không chỉ “lệch pha cung cầu”, thị trường bất động sản TP.HCM đã xuất hiện tình trạng “lệch pha phân khúc thị trường”, “lệch” về phân khúc nhà ở cao cấp, trong khi thiếu nhà ở bình dân có giá dưới 2 tỷ đồng/căn, thiếu luôn cả nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân như đã đề cập ở trên.

Để chứng minh sự “biến mất” của nhà ở giá rẻ, HoREA cho biết, nhà ở bình dân chiếm 1% nguồn cung năm 2020, sang năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đã không còn bóng dáng phân khúc này (0%) trên thị trường.

Ngược lại, cũng trong năm 2020, nhà cao cấp chiếm 42,1%, thế nhưng sang năm 2021, phân khúc này nhảy vọt chiếm 74% và trong 6 tháng đầu năm 2022 chiếm tới 80,1%, còn lại là nhà ở trung cấp.

Tình trạng “lệch pha cung cầu” đi đôi với “lệch pha phân khúc thị trường”, “lệch” về phân khúc nhà ở cao cấp kéo theo giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Tình trạng “lệch pha cung cầu” đi đôi với “lệch pha phân khúc thị trường”, “lệch” về phân khúc nhà ở cao cấp kéo theo giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho hay, trong giai đoạn 2015 - 2020, cả nước chỉ thực hiện được khoảng 100.000 căn hộ nhà ở xã hội, đạt 41,4% kế hoạch. TP.HCM thực hiện nhỉnh hơn, được 15.000 căn hộ nhà ở xã hội, đạt 75% kế hoạch, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất lớn của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư.

Các chuyên gia nhận định, tình trạng “lệch pha cung cầu” đi đôi với “lệch pha phân khúc thị trường”, “lệch” về phân khúc nhà ở cao cấp kéo theo giá nhà tăng liên tục trong những năm gần đây. Và, thị trường đang phát triển méo mó, thiếu sự hài hòa và cân đối.

Tuy nhiên, trao đổi với một số chủ đầu tư, phóng viên Báo Đấu thầu ghi nhận, đa phần đều cho rằng, với giá đất ngày càng tăng, lãi suất ngân hàng ngày càng đội lên, lạm phát chưa có dấu hiệu giảm, thủ tục pháp lý để ra một dự án mất mấy năm trời, chưa kể các chi phí liên quan không tên khác, thật khó để đưa ra thị trường TP.HCM những căn hộ có giá 2 tỷ đồng trong bối cảnh hiện nay.

Trong một kiến nghị gửi đến Thủ tướng mới đây, thay mặt một số chủ đầu tư, HoREA mong muốn Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương sớm xem xét “có kết luận dứt điểm” các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc “đất công”, hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay do phải thực hiện công tác rà soát pháp lý, trong đó TP.HCM có 64 dự án.

Phương thức thực hiện là thu hồi triệt để tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực và các doanh nghiệp có liên quan phải nộp nghĩa vụ tài chính, kể cả nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, để cho dự án được tiếp tục triển khai thực hiện góp phần phát triển kinh tế và tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại và sản phẩm nhà ở cho thị trường bất động sản.

Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho hay, những vướng mắc lớn, cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản đang khiến thị trường lệch pha. Do đó, cần nhiều giải pháp thiết thực để sớm giải quyết triệt để vấn đề này.

Cụ thể, quy trình phê duyệt quy hoạch tổng thể cần được sắp xếp hợp lý hơn so với hiện tại. Song song đó, cần bổ sung quỹ đất khu trung tâm cho phát triển dự án nhà ở và triển khai đúng hạn các dự án hạ tầng để hỗ trợ quá trình phát triển đô thị.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần đưa ra giải pháp tăng quỹ đất sạch để tránh tình trạng đầu cơ, bong bóng, giải quyết vấn đề thiếu nhà ở, tăng nguồn cung cho phân khúc bình dân đáp ứng nhu cầu thực của người mua nhà để an cư. Từ đó, kiểm soát nguy cơ dẫn đến "bong bóng" bất động sản.

Chuyên đề