TP.HCM chỉ xin cơ chế chứ không xin tiền

(BĐT) - Mới đây, Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

"Nếu được thông qua, các cơ chế này sẽ tạo động lực cho Thành phố tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, là đầu tàu có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển chung cả nước", TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng.

Thưa ông, vì sao thời điểm này cần phải có cơ chế đặc thù để TP.HCM phát triển?

Thời gian trước, TP.HCM đã thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị "Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2010" và sau này là Nghị quyết 16/2012 của Bộ Chính trị "Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020". Hai nghị quyết này đã hỗ trợ rất nhiều để TP.HCM phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều thách thức cạnh tranh trong khu vực. Do đó, TP.HCM rất cần có cơ chế quản lý phù hợp mới mong tạo sự đột phá, vươn tầm khu vực.

TP.HCM chỉ xin cơ chế chứ không xin tiền ảnh 1
TS. Trần Du Lịch
Nghị quyết về cơ chế đặc thù này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của TP.HCM?

Theo tôi nên gọi là cơ chế phù hợp với vị trí vai trò của Thành phố thì đúng hơn. Nếu muốn TP.HCM có năng lực cạnh tranh với các đô thị lớn trong khu vực và bảo đảm điều kiện phát triển của một siêu đô thị, cần phải mở rộng sự phân quyền cho chính quyền Thành phố trong nhiều lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế và quản lý đô thị.

Cơ chế chính sách thí điểm để phát triển TP.HCM bền vững thảo luận lần này là cơ chế phù hợp với tầm vóc, quy mô của Thành phố, chứ không phải là đặc thù. Thí điểm là cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách mà hiện nay luật pháp chưa quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp. Dĩ nhiên, điều này phải phù hợp với Hiến pháp. 

Các nội dung trong Dự thảo Nghị quyết sẽ giải quyết được các điểm nghẽn gì, thưa ông?

Dự thảo Nghị quyết có 5 nội dung quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM gồm: quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.

Trong đó, vấn đề quan trọng nhất chính là quản lý tài chính, ngân sách. Cơ chế này sẽ giúp TP.HCM chủ động hơn trong việc quyết định một số khoản chi, tạo cơ chế tăng khoản thu, chủ động chi. Tỷ lệ điều tiết hiện nay để lại cho TP.HCM rất thấp, do đó phải có cơ chế làm sao cho Thành phố tự chủ.

Cơ chế mới hoàn toàn không phải điều chỉnh lại tỷ lệ phân chia, mà là nhằm giải quyết vấn đề tăng nguồn vốn đầu tư cho Thành phố về hạ tầng. Việc chủ động tăng đầu tư không làm giảm đi phần điều tiết về Trung ương. Tức là tăng con số tuyệt đối lên, để làm sao tăng nguồn thu của Thành phố mà không ảnh hưởng đến nguồn thu chung, không ảnh hưởng đến việc Trung ương phân bổ cho các địa phương khó khăn. Đặc biệt, trong Dự thảo có đề cập đến việc ngân sách Thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do UBND Thành phố quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu. Nếu được thông qua, điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đáp ứng nguồn vốn đầu tư phát triển cho TP.HCM.

Hiện TP.HCM không được huy động quá 70% so với tổng ngân sách được giữ lại và dù có huy động đụng trần thì đây vẫn là con số nhỏ bé so với nhu cầu. Vì vậy, số thu từ việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đáp ứng nguồn vốn nhằm tập trung đầu tư những dự án trọng điểm, dự án hạ tầng phục vụ người dân.

Có thể nói, thách thức của TP.HCM về vốn đầu tư chỉ là mặt biểu hiện thôi, vấn đề có cơ chế tạo vốn mới là quan trọng. Lâu nay, Thành phố chỉ xin cơ chế chứ không xin tiền. 

Theo ông, nếu có cơ chế riêng, vai trò đầu tàu của TP.HCM sẽ tác động thế nào đến sự phát triển chung của cả nước?

Nếu Thành phố phát huy được vai trò đầu tàu thì sẽ tác động lan tỏa đến các khu vực khác, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm. Sau khi thí điểm 5 năm thì chúng ta có thể tổng kết, nếu thành công thì sẽ áp dụng cho một số thành phố khác. Lúc đó, chúng ta đã có cơ sở để hoàn thiện chính sách tốt hơn từ kinh nghiệm thực tiễn của TP.HCM.

Chuyên đề