PTSC đã sẵn sàng bước chân vào sân chơi mới cung cấp dịch vụ cho ngành điện gió ngoài khơi |
Ông Lê Mạnh Cường |
Bắt kịp xu thế chuyển dịch năng lượng xanh
“Hơn 20.000 tỷ đồng là doanh thu hợp nhất của PTSC trong năm 2023, tương đương 153% kế hoạch, tăng 18% so với thực hiện năm 2022 bất chấp những khó khăn, biến động chưa từng có của kinh tế trong nước cũng như toàn cầu. Tỷ trọng doanh thu cung cấp dịch vụ ra nước ngoài đạt trên 55%, tăng nhiều so với những năm trước đây nhờ sự đóng góp rất lớn từ điện gió ngoài khơi (ĐGNK), một lĩnh vực kinh doanh mới của PTSC”, ông Cường chia sẻ.
Trong bối cảnh chuyển dịch xanh diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành năng lượng, PTSC không thể hững hờ, ông Cường kể, trước đây, Tổng công ty chỉ làm dịch vụ cho ngành dầu khí, nhưng khi phát hiện thấy sự tương đồng giữa lĩnh vực dầu khí và ĐGNK đã nhanh chóng tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. “Dù là lĩnh vực mới nhưng không quá xa xôi với dịch vụ chính của PTSC, hơn nữa ĐGNK cũng là những công trình ngoài biển mà PTSC đang triển khai từ trước tới nay”, ông nói.
Qua hơn 1 năm bổ sung động lực tăng trưởng mới, PTSC ghi nhận doanh thu 1,5 tỷ USD từ các đơn hàng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đến nay, Tổng công ty đã có những sản phẩm xuất khẩu sang thị trường biển Baltic. Điều này cho thấy, vai trò của PTSC nói riêng, ngành cơ khí chế tạo phục vụ công trình biển của Việt Nam nói chung đang trở thành “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng với đó, PTSC tham gia xuất khẩu điện gió sang Singposre. Cụ thể, trong năm 2023, PTSC cùng đối tác Sembcorp Utilities Pte., Ltd. (SCU) đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam.
Theo ông Cường, lý do PTSC tham gia dự án này bởi nhận thấy, nước ta có tiềm năng gió tốt nhất Đông Nam Á, trong khi đó các quốc gia khác lại có nhu cầu lớn về năng lượng sạch cho phát triển. Theo đúng tiến độ, khoảng năm 2030 - 2032, doanh nghiệp có thể hoàn thành dự án.
Đổi mới tư duy, biến thách thức thành cơ hội
Đề cập về việc bước chân vào sân chơi mới cung cấp dịch vụ cho ngành ĐGNK, Tổng giám đốc PTSC chia sẻ, áp lực, thách thức với doanh nghiệp là rất lớn.
Đầu tiên là thách thức về kinh nghiệm khi tham gia chuỗi cung ứng trong lĩnh vực mới và phải cạnh tranh với nhiều đối thủ sừng sỏ để chiếm thị phần. Mặt khác, chế tạo phục vụ ngành dầu khí chủ yếu là sản phẩm đơn chiếc, quy mô nhỏ, khai thác một mỏ dầu khí chỉ cần chế tạo 2 - 3 giàn khoan. Tuy nhiên, để làm 1 trang trại điện gió cần hàng trăm cột gió, nghĩa là quy mô sản xuất lớn hơn rất nhiều. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn, phương thức sản xuất của doanh nghiệp phải thay đổi, cả tư duy cũng phải thay đổi. Trong khi đó, thay đổi tư duy không phải là việc dễ, bởi con người thường thích làm theo thói quen...
Xuất khẩu điện gió sang Singapore là dự án điện gió đầu tiên mà PTSC thực hiện. Đây là dự án lớn, đa quốc gia, có tổng mức đầu tư hàng tỷ USD, chưa kể tới những thử thách về kỹ thuật và kinh tế khác. “Tuy nhiên, áp lực cũng là động lực để PTSC không ngừng nỗ lực đổi mới, phát triển”, ông Cường cho biết.
Theo CEO PTSC, để nhà thầu Việt nói chung, PTSC nói riêng có thể vươn ra “biển lớn”, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng ĐGNK toàn cầu thì còn rất nhiều việc phải làm. Bởi nhìn chung, năng lực của nhà thầu Việt chưa mạnh và tính liên kết chưa cao. Trong khi đó, để tạo ra sức mạnh, giải bài toán thúc đẩy sản xuất quy mô lớn thì phải có sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau. Muốn làm được điều này, đòi hỏi những thay đổi lớn về tư duy, từ tư duy của người làm chính sách cần thấu cảm với hoạt động của doanh nghiệp cho đến tư duy của người làm doanh nghiệp.
Đề cập về triển vọng kinh doanh của PTSC trong năm 2024 và thời gian tới, ông Cường cho biết: “Bài toán năm 2024 là chúng tôi phải tìm kiếm những hợp đồng cho giai đoạn sau năm 2027. Cùng với đó là gia tăng nguồn lực để thực hiện các đơn hàng đã có và nhận thêm những đơn hàng mới đưa vào sổ đơn hàng để không ngừng lớn mạnh”.