Theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, nhu cầu sử dụng than cho nhiệt điện sẽ lên tới 131,1 triệu tấn vào năm 2030. Ảnh: Lê Tiên |
Cụ thể, Gói thầu Mua than nhập khẩu trong quý II/2020 số 03/2020/NKT có giá gói thầu 636,776 tỷ đồng; Gói thầu Mua than nhập khẩu quý II/2020 số 04/2020/NKT có giá gói thầu 1.610,532 tỷ đồng. Cả 2 gói thầu được đấu thầu rộng rãi quốc tế, không sơ tuyển, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Giá trị đảm bảo dự thầu lần lượt là 19,103 tỷ đồng và 48,315 tỷ đồng, bằng thư bảo lãnh hoặc đặt cọc bằng sec. Thời gian thực hiện mỗi gói thầu là 4 tháng. Hồ sơ mời thầu (HSMT) 2 gói thầu trên được phát hành từ ngày 18/2/2020, dự kiến mở thầu ngày 30/3/2020.
Theo nội dung HSMT, loại than TKV nhập khẩu được mô tả là than sản xuất ngoài nước, có nhiệt trị toàn phần điển hình 7000 kcal/kg (cơ sở khô); khối lượng nhập khẩu 300.000 tấn, cho phép +/-10% (Gói thầu 03/2020/NKT); than sản xuất ngoài nước, có nhiệt trị tịnh điển hình 5700 kcal/kg (cơ sở nhận), khối lượng nhập khẩu 800.000 tấn, cho phép +/-10% (Gói thầu 04/2020/NKT).
Đây không phải là lần đầu tiên TKV tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế mua than nhập khẩu giá trị lớn. Trước đó, tháng 6/2018, TKV thực hiện mời thầu mua than nhập khẩu đối với Gói thầu số 01/2019/NKT (giá trị 441,693 tỷ đồng) và Gói thầu số 02/2019/NKT (giá trị 518,989 tỷ đồng). Tuy nhiên, sau 2 lần gia hạn thời gian phát hành HSMT, cả 2 gói thầu vẫn không có nhà thầu tham dự. Ngày 30/8/2019, TKV ra quyết định hủy thầu đối với 2 gói thầu nêu trên.
Lý giải về việc đẩy mạnh nhập khẩu than ngoài nước, một cán bộ trực tiếp tham gia công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 03 và Gói thầu 04 cho biết, những chủng loại than được TKV nhập khẩu có giá thấp, chỉ từ 70 - 80 USD/tấn, phù hợp để sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện. Trong khi đó, các sản phẩm than được TKV xuất khẩu có chất lượng và giá cao hơn, đạt bình quân 150 USD/tấn trong năm 2018. Các sản phẩm than này chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản để sử dụng cho công nghệ luyện thép chất lượng cao.
Theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, nhu cầu sử dụng than cho nhiệt điện là 64,1 triệu tấn vào năm 2020 và 131,1 triệu tấn vào năm 2030. Tuy nhiên, ước tính sản lượng than khai thác trong nước chỉ đạt từ 47 - 50 triệu tấn vào năm 2020 và 55 - 57 triệu tấn vào năm 2030. Trong khi đó, lượng than khai thác không chỉ sử dụng cho nhiệt điện, mà còn được phân bổ cho các ngành khác như phân bón, hóa chất, xi măng, luyện kim... Sự thiếu hụt này đặt ra yêu cầu về nhập khẩu than.
Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 nêu rõ định hướng xuất nhập khẩu than giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, việc xuất nhập khẩu phải đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ than trong nước về chủng loại và khối lượng; giảm dần xuất khẩu; tích cực, chủ động tìm nguồn than nhập khẩu để đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.