FPT đi ra toàn cầu hóa khi chưa có một con đường, chưa có một bài bản, công thức nào của người đi trước truyền lại. Ảnh: Đinh Công Sáng |
Từ “khát vọng” đã được người đứng đầu Viettel nhắc tới 19 lần trong bài phát biểu. Với khát vọng này Viettel đã liên tiếp thực hiện từ việc “mỗi người dân Việt Nam phải có một chiếc máy điện thoại di động” tới việc tiên phong thực hiện toàn cầu hóa. Hiện nay, Viettel hiện diện tại hơn 10 quốc gia, quy mô kinh doanh năm 2017 dự kiến đạt trên 50 triệu thuê bao và đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu toàn cầu hóa bình quân 30 - 40%/năm trong nhiều năm.
Tinh thần tiên phong, cũng có thể thấy ở người FPT khi họ tuyên bố “xuất hay là chết” khi quyết tâm xuất khẩu phần mềm ra thị trường quốc tế. Năm 1988, tổng doanh thu của FPT chỉ độ 400 ngàn USD mà đã đầu tư số tiền bằng 2,5 lần tổng doanh thu cho thực hiện chiến lược toàn cầu hóa. Cũng như Viettel, con thuyền FPT hướng ra đại dương, vượt biển để thực hiện giấc mơ toàn cầu hóa đầy khát vọng, niềm đam mê và sự dấn thân. Không có tàu thì người FPT kết bè chỉ bằng tre nứa để vượt biển lớn. Khác với người Viettel, người FPT khá lãng mạn nên đã thể hiện toàn bộ quá trình toàn cầu hóa của mình qua từng câu từ của bài hát “Tre nứa vượt đại dương” của nhạc sỹ Trương Quí Hải, vốn là một bài hát từ gan ruột người FPT.
Và cuối cùng, những thành công ban đầu đã tới. Tăng trưởng xuất khẩu phần mềm của FPT liên tục 5 năm qua là khoảng 30 - 40%/năm và sẽ đạt doanh số khoảng 350 triệu USD năm 2017. Hiện FPT có văn phòng hiện diện tại 21 quốc gia và có 40 - 50 khách hàng là các công ty “cá voi” hàng đầu trong danh sách Fortune 500 và là đối tác của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Ngoài xuất khẩu phần mềm cho các nước phát triển, FPT cũng là đối tác xuất khẩu phần mềm cho các nước trong khu vực như Bangladesh, Myanmar, Lào, Campuchia... với một số hợp đồng quy mô tới 33 triệu USD. FPT đang phấn đấu đạt mục tiêu 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm năm 2020.
Vượt qua bão tố, những “ước mơ chân thành” của đoàn người dám “xé đêm mà đi” khi chỉ thấy “le lói cơ hội” và “lấp ló chân trời” cuối cũng đã tìm được vùng “sóng gió yên bình”:
Thương hiệu là những cảm nhận của khách hàng về công ty. Những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong đã làm cho khách hàng quốc tế biết và nhớ đến như Viettel hoặc FPT đã trải qua một quá trình gian nan hơn 10 năm gây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế. Có thể thấy những đặc điểm chung là:
- Khát vọng lớn, ước mơ lớn, say mê lớn: Mặc dù điều kiện khởi đầu về năng lực, trình độ thấp kém và thua xa đối thủ cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nhưng họ đã có giấc mơ và dám thực hiện giấc mơ. Những bước đi ban đầu đầy gian khó và thất bại không làm họ nản lòng. Đúng như anh Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc FPT đã nói hơn 15 năm trước khi FPT bắt đầu sứ mệnh “xuất hay là chết” là “Tôi chỉ thấy một điều có thể cản trở chúng ta, đấy là sự quyết tâm và niềm say mê”. Như vậy khó khăn không phải là yếu tố có thể cản trở họ, chỉ có chính sự say mê của họ mới có thể cản trở họ.
- Phát huy tối đa sức mạnh của tinh thần người Việt Nam: Anh Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Trong khi nhiều người nghĩ rằng, sẽ thật khó để có đủ người tài khi đi đầu tư ra nước ngoài, Viettel lại nghĩ rằng, 90% trong mỗi con người đang ngủ, chỉ có những việc khó, cao hơn sức của mình thì mới có thể đánh thức những tiềm năng ấy”. Như vậy, họ đã đánh thức sức mạnh tinh thần từ hồn cốt của người Việt, có lẽ bắt nguồn từ giá trị tinh thần của lịch sử hàng nghìn năm phải đối đầu với kẻ thù mạnh. Những giá trị tinh thần ấy là sự sáng tạo, táo bạo, linh hoạt, độc đáo, sự kiên trì, nhẫn nại và chịu khó học hỏi cùng với sự chân thành và thân thiện có thể làm lay động con tim của khách hàng.
- Nhân rộng thành công: Viettel và FPT đi ra toàn cầu hóa khi chưa có một con đường, chưa có một bài bản, công thức nào của người đi trước truyền lại. Chính họ khi ra đi đã tìm ra con đường và đi nhiều thì tạo ra con đường. Kinh nghiệm từ những thành công và thất bại đã nhanh chóng được họ đúc kết và nhân rộng. Nhân rộng từ thành công với khách hàng này sang thành công với khách hàng khác. Nhân rộng từ thành công thị trường này sang thị trường khác cùng quá trình học hỏi liên tục. Đó chính là lý do mà Viettel và FPT đều nhanh chóng mở rộng và phát triển trên thị trường quốc tế.
- Sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam: Ngoài những yếu tố về nội lực, Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong xúc tiến toàn cầu hóa. Những hoạt động kinh doanh thường bắt đầu sau việc phát triển quan hệ hợp tác của Chính phủ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thị trường quốc tế. Chính phủ còn giúp các doanh nghiệp xác lập những mối quan hệ cao cấp ban đầu với các tập đoàn hàng đầu trên thế giới khi các doanh nghiệp Việt “chưa đủ tuổi” để có thể thiết lập một cuộc gặp.
Ngày hôm nay, theo tính toán và xếp hạng của Finance Brand năm 2017, Viettel là một trong số 50 thương hiệu viễn thông hàng đầu thế giới với giá trị thương hiệu đạt 2,88 tỷ USD, lớn hơn cả giá trị thương hiệu của Singtel (2,86 tỷ USD). Đối với FPT, tập đoàn này là thương hiệu công ty công nghệ số một Đông Nam Á và thuộc Top 100 công ty IT outsouring toàn cầu. Vị trí thương hiệu trên bản đồ toàn cầu của họ là những thành công có được từ quá trình toàn cầu hóa. Hành trình này, theo như lời của Tổng giám đốc Viettel là “chưa bao giờ là một trong những chuyến đi rút ngắn hay được định đoạt vì may rủi. Mà đó là một cuộc hành trình được dựng lên từ khát vọng, đam mê, nỗ lực và những suy nghĩ độc đáo”.