Tín hiệu tích cực từ giải ngân vốn đầu tư công

(BĐT) - Trong bối cảnh nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, 3 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư công thực hiện và giải ngân vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cần nhiều nỗ lực hơn nữa đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn quan trọng này trong thời gian tới để góp phần bù đắp thiếu hụt về tăng trưởng cho năm nay.
Từ đầu năm đến hết ngày 31/3/2020, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của các bộ, ngành, địa phương là hơn 61.591 tỷ đồng, đạt 13,09% kế hoạch năm. Ảnh: Lê Tiên
Từ đầu năm đến hết ngày 31/3/2020, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của các bộ, ngành, địa phương là hơn 61.591 tỷ đồng, đạt 13,09% kế hoạch năm. Ảnh: Lê Tiên

21 bộ, ngành giải ngân dưới 1% kế hoạch

Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cao hơn 18% so với năm 2019, nhưng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước quý I/2020 đạt 13,2% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ năm trước.

Về số liệu giải ngân, theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của các bộ, ngành, địa phương từ đầu năm đến hết ngày 31/3/2020 là 61.591,412 tỷ đồng, đạt 13,09% kế hoạch năm (cùng kỳ năm trước đạt 11,21% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 12,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, vốn trong nước là 58.596,195 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 2.995,216 tỷ đồng.

Như vậy, cả vốn thực hiện và giải ngân đều cao hơn cùng kỳ năm trước, cho thấy tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, dù số vốn giải ngân có tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đóng góp lớn vào tăng trưởng. Bên cạnh một số bộ, ngành, địa phương có số giải ngân đạt trên 15% kế hoạch vốn được giao, vẫn còn có 29 bộ, ngành và 1 địa phương có số giải ngân đạt dưới 5%. Trong đó, đặc biệt còn có 21 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%).

Bên cạnh các nguyên nhân liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu..., Bộ Tài chính chỉ ra một số nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn trong nước của 3 tháng đầu năm. Trong đó, theo quy định tại Luật Đầu tư công, kế hoạch vốn năm 2019 được kéo dài sang năm 2020, do vậy các chủ đầu tư cũng tập trung giải ngân vốn kéo dài năm 2019 sang năm 2020. Theo số liệu thống kê của Kho bạc Nhà nước (KBNN), số vốn trong nước kế hoạch năm 2019 kéo dài giải ngân sang năm 2020 là khoảng 61.685,1 tỷ đồng.

Còn nhiều chủ đầu tư các dự án khởi công mới và dự án chuyển tiếp đã được cấp có thẩm quyền phân bổ kế hoạch vốn năm 2020 song chưa đến giao dịch mở tài khoản và thanh toán tại KBNN. Theo thống kê của KBNN, đến hết tháng 3/2020, có 43.896 dự án khởi công mới và dự án chuyển tiếp được phân bổ kế hoạch vốn năm 2020 với tổng số kế hoạch vốn khoảng 225.679,1 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư chưa đến mở tài khoản và thanh toán tại KBNN.

Ngoài ra, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán trong quý I và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gây khó khăn trong việc huy động nhân lực, vật tư..., ảnh hưởng lớn đến tình hình triển khai thực hiện và thanh toán vốn. 

Bứt phá mạnh hơn để trở thành mũi nhọn tăng trưởng

Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành trung ương, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 ngay trong tháng 3/2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg. Thường xuyên kiểm tra, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, dự án; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án quy mô lớn có tính chất lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng, cả nước như: Dự án cao tốc Bắc - Nam, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành... Xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng cho các dự án, làm cơ sở để điều hành kế hoạch giải ngân.

Giải pháp quan trọng khác, theo Bộ Tài chính, là các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác lập hồ sơ, thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công - dự toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai công tác mời thầu, đấu thầu dự án theo thời gian quy định; ưu tiên triển khai trước mặt bằng sạch để bảo đảm khi nhà thầu thực hiện thi công không còn vướng mắc. Đặc biệt, cần kiên quyết điều chỉnh kịp thời kế hoạch vốn các dự án không triển khai được hoặc chậm triển khai sang các dự án có khả năng giải ngân cao. Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị liên quan làm việc với KBNN, mở mã cho các dự án khởi công mới đã được giao kế hoạch vốn; hoàn thiện hồ sơ, trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, làm thủ tục thanh toán ngay với KBNN, để không dồn vốn vào cuối năm mới thanh toán...

Cuối tuần trước, Văn phòng Chính phủ cũng phát đi thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và tham khảo ý kiến các chuyên gia, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Thủ tướng lưu ý, Dự thảo Báo cáo cần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và số kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020; có biện pháp, giải pháp cụ thể và chế tài mạnh mẽ trong triển khai thực hiện. “Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng nhất để bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng do tác động của dịch Covid-19”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chuyên đề