Tìm giải pháp đột phá đổi mới mô hình tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mới. Nếu không có đột phá trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng thì năng suất lao động cũng như hiệu quả của nền kinh tế giai đoạn tới sẽ khó đạt kết quả như mong đợi. 
Việc đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian qua chưa đạt kết quả như mong muốn. Ảnh: Quang Tuấn
Việc đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian qua chưa đạt kết quả như mong muốn. Ảnh: Quang Tuấn

Đây là chia sẻ của TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) với Báo Đấu thầu.

CIEM đang được giao nghiên cứu đánh giá việc thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất kiến nghị giải pháp cho giai đoạn 2021 - 2025. Theo bà, đâu là điểm nghẽn đối với phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay?

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, hiện có những điểm nghẽn liên quan đến thể chế. Đó là tình trạng các quy định pháp luật vừa thiếu vừa yếu, và chồng chéo vẫn còn; công tác thực thi cũng còn hạn chế. Bên cạnh đó là những vấn đề liên quan đến ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), cần có thêm giải pháp để đẩy mạnh phát triển kinh tế số cũng như thúc đẩy đổi mới sáng tạo góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là những vấn đề quan trọng cần tập trung thực hiện khi tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. 

Tìm giải pháp đột phá đổi mới mô hình tăng trưởng ảnh 1
TS. Trần Thị Hồng Minh
Trong tháng 5, dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng số lượng doanh nghiệp (DN) gia nhập thị trường cũng như quay trở lại hoạt động đã tăng trở lại. Bà đánh giá như thế nào về tín hiệu này?

Kinh tế đạt một số kết quả khả quan, trong đó điển hình là việc đăng ký thành lập DN mới. Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh ghi nhận, trong tháng 5/2020, số DN đăng ký thành lập mới tăng 36,1% về số DN và 20,1% về số vốn đăng ký so với tháng 4/2020. Tháng 5 cũng có hơn 5.000 DN quay trở lại hoạt động, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 32,7% so với tháng 4/2020.

Đạt được kết quả này là do chúng ta có sự phản ứng kịp thời, sự đồng hành của Chính phủ trong chia sẻ khó khăn với người dân và DN thông qua các gói giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Chính điều này đã tạo ra niềm tin mạnh mẽ trong nhân dân và DN. 

Vậy cải cách thể chế giai đoạn hậu Covid-19 nên theo hướng nào để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững?

Cải cách thể chế vẫn phải tập trung vào những điểm nghẽn cần tháo gỡ. Đó là phải có khung khổ pháp luật thực sự minh bạch và hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực quản trị của các cơ quan quản lý, còn người dân và DN dễ dàng tuân thủ… Nếu chúng ta không có khung khổ pháp luật tốt thì chắc chắn khó mà đạt được những thành công trong công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế thời gian tới.

Cùng với khung khổ thể chế, quy định pháp luật tốt thì vấn đề thực thi trên thực tế cũng không kém phần quan trọng. Nếu chính sách tốt nhưng không được thực thi hiệu quả thì cũng chỉ là chính sách trên giấy. Vì vậy, các yêu cầu liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của công chức, nâng cao hiệu quả của bộ máy công quyền cũng cần phải ưu tiên trong thời gian tới.

Mặt khác, từ những khó khăn vừa qua cũng cho thấy yêu cầu cần thiết nâng cao tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế để ứng phó hiệu quả với các rủi ro. Theo đó, giai đoạn đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế thời gian tới cần lưu tâm hơn đến vấn đề này để thiết lập chuỗi sản xuất thuần Việt.

Mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 cần lưu ý những vấn đề gì, thưa bà?

Đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế thời gian tới. Việc thực hiện Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế dù đạt được nhiều kết quả, nhưng việc đổi mới mô hình tăng trưởng chưa đạt như mong muốn. Nền kinh tế vẫn phát triển theo chiều rộng, sử dụng những ngành thâm dụng lao động, chất lượng công nghệ thấp...

Vì vậy, việc đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hướng tới một mô hình có thể tận dụng được những lợi thế của CMCN 4.0, từ đổi mới sáng tạo hay tận dụng lợi thế từ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do mới. Bên cạnh đó, các mô hình, hình thái kinh tế mới cũng cần được nghiên cứu, tăng cường triển khai trên thực tế như: mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn… Nếu không có đột phá trong đổi mới mô hình tăng trưởng thông qua áp dụng các mô hình kinh tế mới thì năng suất lao động cũng như hiệu quả nền kinh tế giai đoạn tới sẽ khó đạt kết quả như mong đợi.

Chuyên đề