Luật Đấu giá tài sản cần có quy định tạm đình chỉ việc tổ chức bán đấu giá nếu nhận thấy có dấu hiệu tiêu cực. Ảnh: Bá Tú |
Tuy nhiên, Dự thảo Luật Đấu giá tài sản vẫn còn khá nhẹ tay với những hành vi tiêu cực làm méo mó bản chất của hoạt động đấu giá tài sản.
Đấu giá đi liền với tai tiếng!
Đó là cảm thán của ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp TP.HCM) tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật Đấu giá tài sản do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức. “Lâu nay, đấu giá gắn liền với tai tiếng, tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Chính vì tai tiếng mà những đóng góp của hoạt động đấu giá tài sản, giúp phát huy giá trị và hiệu quả tài sản của Nhà nước gần như không được ai lưu ý. Là người trực tiếp làm đấu giá tài sản, tôi cho rằng, hiện tượng thông đồng, dìm giá xảy ra ở khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Lâu nay, những vụ việc có dấu hiệu tiêu cực và cơ quan điều tra vào cuộc từ đó xác nhận có hiện tượng thông đồng thì sẽ kiến nghị hủy kết quả đấu giá. Nhưng kết quả cuối cùng cũng chỉ là hủy kết quả đấu giá. Do vậy, thông đồng, dìm giá trong đấu giá hiện nay vẫn được coi là trắng án” - ông Sỹ nhận định.
Ông Sỹ cho rằng, Dự án Luật Đấu giá tài sản chưa có quy định và chế tài đủ mạnh đối với hành vi thông đồng, dìm giá. Đồng quan điểm, bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng nhận xét, lĩnh vực đấu giá tài sản hiện nay, phần tiêu cực vẫn nhiều hơn tích cực. “Điều này dẫn đến thất thoát rất lớn tài sản của Nhà nước. Do đó, Luật cần có quy định rõ hơn để ngăn thông đồng, dìm giá. Giải pháp hủy kết quả đấu giá như trong Dự thảo Luật chỉ là giải quyết sự đã rồi, hoàn toàn không có yếu tố phòng ngừa tiêu cực, càng không có tính răn đe mạnh mẽ. Bên cạnh đó, hậu quả của việc hủy kết quả đấu giá cũng rất lớn” - bà Hoa khẳng định.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, các phiên đấu giá cần có biện pháp thu hình, thu âm để làm bằng chứng. Đây cũng là công cụ hiệu quả, không thể chối cãi với những phiên đấu giá có vấn đề.
Duy trì hay không Hội đồng Đấu giá tài sản?
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, chỉnh lý, giải trình Dự án Luật Đấu giá tài sản, nội dung về Hội đồng Đấu giá tài sản cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng cần thu hẹp việc thành lập, phạm vi hoạt động của Hội đồng Đấu giá tài sản. Đồng thời, chỉ nên áp dụng khi không thể thuê được tổ chức bán đấu giá tài sản hoặc tổ chức bán đấu giá tài sản không đáp ứng được các tiêu chí.
Bà Võ Thị Như Hoa cho rằng, việc duy trì Hội đồng Đấu giá tài sản sẽ gây tốn kém hơn cho ngân sách so với việc thuê đơn vị chuyên nghiệp tổ chức bán đấu giá tài sản. “Theo tôi, nên mạnh dạn bỏ luôn Hội đồng Đấu giá tài sản vì Hội đồng thường bao gồm các thành viên không có chuyên môn về đấu giá. Sau đó, lại phải thuê thêm cá nhân có chuyên môn vào Hội đồng. Như vậy, thủ tục và chi phí cho việc thành lập và duy trì các Hội đồng Đấu giá tài sản quá rườm rà và không hiệu quả” - đại diện Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng chia sẻ.
Một số đại biểu quốc hội cũng cho rằng, trên thực tế, Hội đồng Đấu giá tài sản chỉ còn tồn tại ở một số luật chuyên ngành như: Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Đất đai, Luật Khoáng sản. Theo đó, những luật chuyên ngành này đều có quy định về việc thành lập Hội đồng Đấu giá tài sản. Do đó, trong tương lai, không quan ngại việc thành lập thêm nhiều Hội đồng Đấu giá tài sản.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận định, Dự thảo Luật Đấu giá tài sản đã quy định theo hướng thu hẹp các trường hợp được thành lập Hội đồng Đấu giá tài sản (không lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản theo quy định). Đồng thời, Dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể về nguyên tắc hoạt động, quyền và nghĩa vụ của Hội đồng Đấu giá tài sản để phù hợp với thực tế.