Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo việc đổi mới tư duy, chú trọng hơn nữa công tác xây dựng chiến lược, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch. Ảnh: Lê Tiên |
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định như vậy tại Hội nghị Quán triệt các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và triển khai công tác năm 2016 do Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 4/8. Nhiều ý kiến tâm huyết, chia sẻ thẳng thắn về những khó khăn, thách thức của đất nước và nhiệm vụ trong thời gian tới của Bộ đã được nêu tại Hội nghị.
Giám sát chặt việc ban hành điều kiện kinh doanh
Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với sự tham mưu của Bộ KH&ĐT, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị quyết số 19/NQ-CP (liên tục trong 3 năm 2014, 2015, 2016). Nghị quyết đặt mục tiêu đến hết năm 2016, môi trường kinh doanh của nước ta đạt mức trung bình của ASEAN 4. Thực tế trong 2 năm qua cho thấy, môi trường kinh doanh của nước ta đã được cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên và được các tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đánh giá cao.
Tuy vậy, theo ông Cung, rào cản, sự níu kéo của các bộ, ngành trong cải cách điều kiện kinh doanh hiện còn rất lớn, chưa thực sự quán triệt tư tưởng của Chính phủ là lấy DN, người dân làm đối tượng phục vụ, xây dựng Nhà nước kiến tạo và hỗ trợ DN. Do đó, trong thời gian gần, cần tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh. Nhưng về lâu dài, cần ban hành nghị định về giám sát việc ban hành các điều kiện kinh doanh để tránh tình trạng rà soát 6.000 - 7.000 điều kiện cùng một lúc rồi đưa Chính phủ vào thế bí, phải thực hiện trong vòng 3 tháng.
Ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ KH&ĐT tâm huyết phát biểu: “Mấy năm qua, Bộ KH&ĐT đã làm rất mạnh về cải cách thể chế. Hy vọng trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề để đưa những đổi mới vào cuộc sống. Đã đổi mới thì không chờ đến khi có đồng thuận mới làm, chờ đến khi có được sự đồng thuận rồi mới đổi mới thì không thể thực hiện được. Bộ KH&ĐT là bộ xây dựng chiến lược, chính sách, thì phải thu hút, tập trung nhiều chuyên gia cả trong nước và quốc tế để xới xáo tất cả những vấn đề bất cập của nền kinh tế thị trường và đưa ra những đề xuất đổi mới. Việc đưa ra vấn đề đổi mới chuyển từ nhà nước quản lý sang nhà nước kiến tạo, lúc đầu cũng đã gặp không ít khó khăn, ít người đồng tình, nhưng đến nay đã có nhiều người đồng tình”.
Chú trọng hơn nữa công tác xây dựng chính sách
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo: Bộ KH&ĐT là cơ quan tham mưu tổng hợp, là cơ quan quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô, do đó phải sử dụng công cụ xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách để tham mưu cho Chính phủ định hướng, dẫn dắt sự phát triển đất nước nhanh và bền vững. Do đó, tất cả cần phải thay đổi tư duy, chuyển mạnh sang xây dựng chiến lược, cơ chế, chính sách, quy hoạch với tầm nhìn xa và đảm bảo phát triển theo cơ chế kinh tế thị trường.
Từ nay đến cuối năm, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ KH&ĐT có rất nhiều việc phải làm, cần tập trung hoàn thành khối lượng lớn các đề án, dự án được giao, đặc biệt là lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2017 để trình đúng thời hạn. Đây là những nhiệm vụ nặng nề và luôn luôn phải chịu áp lực lớn về tiến độ thời gian, đòi hỏi toàn bộ máy phải tập trung, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, phải theo dõi, giám sát, cập nhật thường xuyên, phân tích, dự báo những khó khăn, vướng mắc để tham mưu cho Chính phủ giải pháp tháo gỡ kịp thời. Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, Bộ trưởng yêu cầu theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35/NĐ-CP của Chính phủ.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo tiếp tục theo dõi tình hình đầu tư công, xây dựng quy trình lập kế hoạch đầu tư công và phân giao vốn với mục tiêu hướng tới là nhanh gọn, chính xác, ưu tiên cho các nhiệm vụ cấp bách phục vụ tăng trưởng kinh tế và cố gắng giao vốn trong 1 lần và cuối năm 2016 phải giải ngân hết kế hoạch được giao; cương quyết không bố trí vốn cho các dự án đến ngày 30/9/2016 có tỷ lệ giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn năm 2016.