Tiếp sức cho sản xuất công nghiệp phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Qua nửa chặng đường của năm 2023, sản xuất công nghiệp - một trong những động lực tăng trưởng - đang dần hồi phục. Chặng đường còn lại được dự báo đầy rủi ro, thách thức, đòi hỏi toàn ngành không được lơ là, chủ quan, sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng khoảng 8 - 9% như mục tiêu đặt ra.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp đã phục hồi 98,8% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Tiên Giang
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp đã phục hồi 98,8% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Tiên Giang

48 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng

Thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp của địa phương trong 6 tháng năm 2023, ông Nguyễn Hồng Phong, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương có tỷ trọng giá trị ngành công nghiệp cao, độ mở kinh tế lớn, do đó, sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp của Tỉnh. Hoạt động sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên trong quý II đã có dấu hiệu phục hồi, nhất là các doanh nghiệp (DN) sản xuất linh kiện điện tử.

Tương tự, với TP. Hà Nội, ông Đậu Ngọc Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố cho hay, ước tính quý II/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Thành phố tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%... Tính chung, 6 tháng đầu năm nay, IIP của Hà Nội tăng 2,3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,9%.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 của nhiều địa phương khác như: Bắc Giang, Phú Thọ, Kiên Giang, Nam Định, Hải Phòng… cũng cho thấy sản xuất công nghiệp đang có dấu hiệu phục hồi.

Một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước đã khôi phục đà tăng trưởng công nghiệp như: Thái Nguyên tăng 4,1%; Quảng Ninh tăng 7,4%; Bắc Giang tăng 15,7%; Hải Phòng tăng 12,3%; TP.HCM tăng 1,9%; Bình Dương tăng 2,6%; Đồng Nai tăng 3%.

Làm rõ thêm những dấu hiệu tích cực này, đại diện Bộ Công Thương cho biết, lũy kế 6 tháng, sản xuất công nghiệp đã phục hồi 98,8% so với cùng kỳ năm 2022 - thời điểm kinh tế khởi sắc sau khi Chính phủ mở cửa nền kinh tế vào tháng 3/2022. IIP tiếp tục duy trì đà tăng trưởng liên tục từ đầu năm, tháng sau cao hơn tháng trước. Tính riêng trong tháng 6, IIP ước tính tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm, 48 địa phương có IIP tăng do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Tập trung khơi thông thị trường

Tuy có những chuyển biến tích cực, nhưng nhìn vào bức tranh của ngành công nghiệp vẫn thấy rõ mức độ hồi phục còn chậm. Nguyên nhân chính là cầu thế giới sụt giảm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, đồ gỗ... Trên thực tế, một số DN đã phải cắt giảm nhân công do số lượng đơn đặt hàng giảm.

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn gặp nhiều khó khăn, sức chống chịu của nhiều DN đã tới hạn. Các DN gặp khó khăn về thị trường, dòng tiền, thủ tục hành chính trong việc giải quyết các vấn đề của DN. Thị trường tiêu thụ thu hẹp, tồn kho tăng mạnh… Chưa kể, các vấn đề nội tại của nền kinh tế như năng lực sản xuất, cơ cấu đầu tư, thị trường, sự phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài, môi trường kinh doanh, thị trường xuất khẩu... chưa thể cải thiện trong “một sớm, một chiều”.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, tình hình kinh tế thế giới những tháng cuối năm 2023 sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức khó lường, tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong nước, trong đó có DN ngành công nghiệp.

Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, nền kinh tế nước ta cũng xuất hiện một số yếu tố thuận lợi hơn trong nửa đầu năm, đó là DN, nền kinh tế đã chủ động thích ứng với tình hình mới của thế giới; hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN tiếp tục được đẩy mạnh triển khai; nhiều dự án quy mô lớn được tăng tốc… Đây là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sản xuất công nghiệp.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Bộ Công Thương nhấn mạnh là cần triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách, giải pháp đã ban hành; đồng thời tiếp tục có những giải pháp mới chủ động, quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân.

Đối với các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu, cần rà soát tồn đọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đi vào vận hành.

Về cung ứng điện, thực hiện đồng bộ các giải pháp để cung ứng điện cho nền kinh tế, bao gồm: điều tiết việc cung cấp than, sản xuất, nhập khẩu than; khẩn trương hoàn tất đàm phán với chủ đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời đáp ứng đủ điều kiện theo quy định để có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia; đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nguồn điện…

Ngoài ra, thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường trong nước, củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống cũng như đa dạng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu tiềm năng (đẩy nhanh đàm phán ký kết hiệp định thương mại tự do với Israel, UAE…); hỗ trợ DN đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới, nâng cao sức cạnh tranh…

Chuyên đề