Tiếp sức cho doanh nhân Việt Nam kiến tạo giá trị

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 20 năm kể từ khi nước ta có ngày tôn vinh doanh nghiệp (DN), doanh nhân (13/10) đến nay, cộng đồng DN đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Để đội ngũ DN, doanh nhân tiếp tục phát triển, tạo ra giá trị, tạo nên tăng trưởng trong bối cảnh mới, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến nghị, Nhà nước cần tiếp tục thiết kế chính sách thiết thực và đột phá hơn.
Chính phủ cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội, nguồn lực phát triển kinh doanh, từ đó khơi thông nguồn lực xã hội. Ảnh: Tuấn Anh
Chính phủ cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội, nguồn lực phát triển kinh doanh, từ đó khơi thông nguồn lực xã hội. Ảnh: Tuấn Anh

Ông đánh giá thế nào về bức tranh khối DN tư nhân sau tròn 20 năm nước ta có ngày tôn vinh doanh nhân (13/10/2004 - 13/10/2024)?

Cách đây 20 năm, vào ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, lấy ngày 13/10 hằng năm là "Ngày Doanh nhân Việt Nam". Đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống nhân dân và góp phần giữ vững ổn định chính trị, an sinh xã hội.

Kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là một nguồn lực đặc biệt, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước ta thời kỳ mới.

Ông Hoàng Quang Phòng

Ông Hoàng Quang Phòng

Không chỉ tăng nhanh về quy mô, số lượng, mà năng lực quản trị, trình độ kiến thức, kỹ năng kinh doanh và khả năng hội nhập sâu rộng của đội ngũ DN cũng ngày càng được nâng cao và có nhiều bước tiến rõ nét. Nhiều DN lớn đã định vị được thương hiệu trên thị trường quốc tế, đang thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, địa phương và dẫn dắt các DN nhỏ và vừa trong ngành cùng phát triển như THACO, Vingroup, Viettel, FPT, VNPT, Vietcombank, BIDV, BRG, Tập đoàn TH, Geleximco, Tập đoàn Phú Thái, PNJ, Doji, Vinamilk... Bên cạnh những DN đầu ngành, còn có những DN đổi mới sáng tạo vươn mình mạnh mẽ ra thế giới. 20 năm Việt Nam tôn vinh doanh nhân, ngày càng nhiều DN, doanh nhân ý thức và quan tâm xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội.

Tuy nhiên, theo báo cáo của VCCI, trong hơn 930.000 DN tư nhân trong nước đang hoạt động, DN lớn chiếm chưa đến 2%, còn lại là DN nhỏ và vừa. Phần lớn DN nhỏ và vừa thiếu kỹ năng quản lý, công nghệ tầm trung và thấp, khả năng tiếp cận tài chính còn rất hạn chế.

Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng cho đến nay, việc kết nối kinh doanh giữa DN trong và ngoài nước còn hết sức mờ nhạt. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động của các DN FDI với các DN trong nước còn rất hạn chế. Mặc dù đã có những DN ngành ô tô, xe máy và điện tử trong nước hội nhập thành công, song con số này còn khiêm tốn.

Theo ông, bối cảnh kinh tế hiện nay đang tạo ra cơ hội, thách thức gì cho các DN, doanh nhân trong nước?

Năm 2024, bối cảnh kinh tế cả trong và ngoài nước tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, gây áp lực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng. Sức mua của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu suy yếu, doanh thu sụt giảm, đơn hàng có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm so với kỳ vọng.

Ở trong nước, DN chịu áp lực chi phí cao, khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh; vướng mắc về rào cản pháp lý và thực thi pháp luật; tâm lý "sợ sai", không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ; xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn xanh, bền vững, việc gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước tạo áp lực lớn về chi phí tuân thủ và gây khó khăn cho DN xuất khẩu…

Trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước có hơn 183 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 20,3 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, 9 tháng cũng ghi nhận có tới 163,8 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,2 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Bối cảnh hiện nay có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng đang tạo ra cơ hội lịch sử cho nền kinh tế cũng như DN mạnh, có sức bật tốt tham gia và tạo vị thế mới trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Sự đứt gãy và sắp xếp lại của chuỗi cung ứng quốc tế do dịch Covid-19 hay xung đột địa chính trị đang tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam không chỉ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn đón nhận làn sóng các nhà đầu tư, dòng vốn và công nghệ mới.

Trong bối cảnh mới, theo ông, đội ngũ DN, doanh nhân cần nhất điều gì ở cơ chế, chính sách để tiếp tục phát triển, tạo nên giá trị, tạo nên tăng trưởng?

Phát triển kinh tế phải đi đôi với khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống và khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Do đó, DN cần sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả từ cải cách thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh của Chính phủ.

Trong đó, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế theo hướng thuận lợi hơn cho môi trường kinh doanh, theo tiêu chuẩn và quy luật thị trường và hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo ra được không gian rộng mở hơn cho DN, người dân. Đồng thời cắt giảm mạnh mẽ, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tháo gỡ các nút thắt, rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận các cơ hội, nguồn lực với khối DN tư nhân. Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo dựng niềm tin để xây dựng một nền kinh tế bền vững, có sức cạnh tranh cao và thịnh vượng.

Để thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ…, các bộ, ngành cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho DN chuyển đổi nhanh nhằm nắm bắt và tận dụng được cơ hội phát triển.

Đặc biệt, các gói chính sách hỗ trợ DN cần phải triển khai ngay, hỗ trợ đúng, trúng đối tượng và kịp thời với quy trình, thủ tục nhanh gọn, linh hoạt. Ví dụ cộng đồng DN 26 tỉnh, thành phố phía Bắc vừa đi qua cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp, nhiều tài sản của DN mất trắng, tổng thiệt hại kinh tế ước tính lên tới trên 81.000 tỷ đồng. Ngay sau khi bão tan, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước đã có Chỉ thị số 04/CT-NHNN… Tuy nhiên, công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả cần được triển khai kịp thời để giúp DN sớm quay lại hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Chuyên đề