Tiếp đà phát triển mạnh mẽ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021, nhiều bộ, ngành, địa phương đều triển khai rất quyết liệt đấu thầu qua mạng (ĐTQM), vượt chỉ tiêu lộ trình được quy định, và năm 2022 kỳ vọng hoạt động ĐTQM sẽ tiếp đà phát triển mạnh mẽ. ĐTQM vừa giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các bên trong đấu thầu, vừa giúp nâng cao hiệu quả mua sắm công, tạo môi trường đấu thầu ngày càng minh bạch, cạnh tranh.

Vượt xa chỉ tiêu

Theo số liệu thống kê của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (HTMĐTQG), năm 2021 đã vượt xa cả 2 chỉ tiêu ĐTQM theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP. Chỉ tiêu tỷ lệ thực hiện ĐTQM theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 là đạt 70% về số lượng và 35% về giá trị trên tổng số lượng/giá trị các gói thầu đấu thầu rộng rãi và chào hàng cạnh tranh. Thực tế, năm 2021 ĐTQM đạt 95,39% về số lượng và 70,23% về giá trị trên tổng các gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, vượt 25,39% về số lượng và vượt 35,23% về giá trị gói thầu. So với năm 2020, số gói thầu áp dụng ĐTQM tăng 1,18 lần (115.371/98.172 gói thầu), tổng giá gói thầu ĐTQM tăng hơn 1,29 lần (391.272/320.967 tỷ đồng).

Cụ thể, năm 2021 có 115.371 gói thầu (năm 2020 là 98.172 gói, năm 2019 là 39.547 gói) được lựa chọn nhà thầu qua mạng. Trong đó, tính đến hết 31/12/2021, có 94.661 gói thầu ĐTQM đã có kết quả lựa chọn nhà thầu với tổng giá gói thầu khoảng 391.272 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu khoảng 374.979 tỷ đồng, tiết kiệm đạt 4,16%.

Giảm chi phí tổ chức, tăng hiệu quả đấu thầu

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), ĐTQM đã giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho cả Nhà nước, chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu; là công cụ hữu hiệu trong việc bảo đảm các tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và phòng, chống tham nhũng, đẩy lùi vi phạm, tiêu cực trong đấu thầu. Tính chung cả năm 2021, ĐTQM giúp tiết kiệm khoảng 1.974 tỷ đồng chi phí hành chính trực tiếp.

Trong đó, đối với chủ đầu tư, bên mời thầu, thời gian lựa chọn nhà thầu qua mạng (từ khi phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) đến khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu) so với đấu thầu truyền thống trung bình tiết kiệm được 8 ngày, quy đổi theo chi phí tiền lương/ngày công là khoảng trên 532 tỷ đồng.

Đối với nhà thầu, theo khảo sát, các doanh nghiệp khi tham gia ĐTQM tiết kiệm được 5 triệu đồng chi phí hành chính (bao gồm chi phí mua HSMT, chi phí đi lại, in ấn...) so với đấu thầu truyền thống. Trong năm 2021, có 115.371 gói thầu ĐTQM, số nhà thầu trung bình tham dự là 2,5 nhà thầu/gói thầu. Như vậy, số chi phí hành chính mà nhà thầu tiết kiệm được lên tới 1.442 tỷ đồng.

Năm 2021, số gói thầu quy mô lớn ĐTQM tiếp tục tăng, có nhiều gói thầu lớn được thực hiện như Gói thầu Thi công xây lắp công trình thủy điện Ialy mở rộng trị giá 2.335 tỷ đồng; Gói thầu Thi công khoan, xúc bốc, vận chuyển đất đá, quặng năm 2022 - 2025 của Công ty CP Đồng Tả Phời Vinacomin có giá 1.585 tỷ đồng...

Có những gói thầu có tính cạnh tranh cao với nhiều nhà thầu tham gia như gói thầu thuộc lĩnh vực xây lắp nâng cấp, cải tạo Trường THCS Nguyễn Văn Linh khu vực thôn Nhơn Thọ 1 của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hòa Vang có 28 nhà thầu tham dự; gói thầu dịch vụ phi tư vấn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên có 19 nhà thầu tham dự; gói thầu mua sắm hàng hóa của Công ty Điện lực Đắk Lắk có 18 nhà thầu tham dự…

Tiếp tục nâng cấp hệ thống, nâng cao hiệu quả ĐTQM

Bộ KH&ĐT cho biết, thống kê năm 2021 cho thấy số lượng nhà thầu tham gia ĐTQM vẫn còn hạn chế, chỉ khoảng 30% (129.281 nhà thầu đăng ký trên HTMĐTQG nhưng chỉ có 42.000 nhà thầu tham gia ĐTQM) nên chưa thể phát huy tốt nhất tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế của ĐTQM. Vẫn còn không ít gói thầu chỉ có 1 nhà thầu dự thầu và tỷ lệ tiết kiệm thấp.

Việc đăng tải thông tin của chủ đầu tư, bên mời thầu cũng còn tồn tại, bất cập. Vẫn còn nhiều đơn vị chậm đăng tải hoặc đăng tải sai các thông tin về đấu thầu theo quy định, đăng tải báo cáo đánh giá, kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu khác, đăng tải chắp vá, sai lệch báo cáo đánh giá. Một số bên mời thầu cố tình đăng tải chưa đúng loại gói thầu theo danh mục phân loại, đăng tải không đầy đủ, thiếu thông tin trong HSMT, gây khó khăn cho nhà thầu. Một số chủ đầu tư, bên mời thầu không đăng tải hoặc đăng tải không đầy đủ nội dung thông báo mời thầu bằng tiếng Anh đối với gói thầu tổ chức đấu thầu quốc tế trên HTMĐTQG.

Theo Bộ KH&ĐT, trong năm 2022, để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả ĐTQM, phạm vi áp dụng ĐTQM tiếp tục được mở rộng hơn để tận dụng tối đa tính công khai, minh bạch, hạn chế tối đa sự tiếp xúc của chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu, giảm thiểu các hành vi tiêu cực trong đấu thầu. Tiếp tục triển khai HTMĐTQG phù hợp với lộ trình ĐTQM đối với lựa chọn nhà thầu và đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, có tổng số 68.107 gói thầu, trong đó 66.544 gói thầu có thể áp dụng ĐTQM; số gói thầu ĐTQM là 64.359 gói, đạt tỷ lệ 96,71%. Tổng giá gói thầu là 470.026 tỷ đồng; tổng giá các gói thầu có thể áp dụng ĐTQM là 380.852 tỷ đồng; tổng giá gói thầu ĐTQM là 304.616 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 79,98%.

Ông Phạm Thy Hùng - Giám đốc Trung tâm ĐTQM quốc gia, cho biết, dự kiến, từ ngày 16/9/2022, Bộ KH&ĐT bắt đầu vận hành HTMĐTQG mới. Hệ thống mới được bổ sung thêm nhiều phân hệ, chức năng so với Hệ thống hiện tại, hướng tới quản lý xuyên suốt quá trình mua sắm công điện tử từ cập nhật thông tin dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư, phát hành HSMT, nộp HSDT, mở thầu, đánh giá xếp hạng nhà thầu, công khai kết quả đấu thầu đến việc thương thảo, ký kết hợp đồng trực tuyến, theo dõi quản lý quá trình thực hiện hợp đồng... Hệ thống cũng kết nối với hệ thống thông tin quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ KH&ĐT, hệ thống kê khai thuế điện tử của Tổng cục Thuế, Cổng dịch vụ công của Bộ KH&ĐT… để chia sẻ và khai thác thông tin giữa các bộ, ban ngành của Chính phủ, đảm bảo thông tin chính xác, tin cậy, cũng như kết nối với ngân hàng, cổng thanh toán hỗ trợ thực hiện các nghiệp vụ liên quan trực tiếp trên HTMĐTQG. Từ đó, tiếp tục tối ưu tự động hóa quy trình chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng...

“Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu ứng dụng các công cụ như trí tuệ nhân tạo - AI để rà soát nội dung HSMT, HSDT trên HTMĐTQG nhằm xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến các tồn tại, hạn chế nêu trên”, ông Hùng cho biết.

Trên hết, ông Phạm Thy Hùng nhấn mạnh, vai trò của chính các bên tham gia ĐTQM là rất quan trọng để đạt được hiệu quả đấu thầu tốt nhất. Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn, tạo nhận thức sâu sắc về sự cần thiết và hiệu quả của ĐTQM. Đồng thời, dù đấu thầu trực tiếp hay qua mạng, các chủ đầu tư, bên mời thầu cũng cần nâng cao trách nhiệm, sự công tâm khi xây dựng HSMT nhằm lựa chọn được nhà thầu tốt nhất.

Chuyên đề