Thúc tiến độ dự án trọng điểm liên vùng Đông Nam Bộ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã chỉ ra loạt tồn tại, vướng mắc cùng hướng giải quyết đối với 8 dự án trọng điểm có vai trò động lực cho sự tăng trưởng của khu vực này. Khơi thông điểm nghẽn hạ tầng, vùng Đông Nam Bộ được kỳ vọng sớm lấy lại đà tăng trưởng ổn định.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành chậm tiến độ 8,6% do vướng mắc trong công tác lựa chọn nhà thầu, nguồn vật liệu
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành chậm tiến độ 8,6% do vướng mắc trong công tác lựa chọn nhà thầu, nguồn vật liệu

Nhận diện khó khăn từng dự án

8 dự án được Bộ KH&ĐT đề cập gồm: Vành đai 3 TP.HCM; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Bến Lức - Long Thành; cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Vành đai 4 TP.HCM.

Một số dự án đang bị ách tắc do vướng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, kéo giảm tiến độ chung. Cụ thể, Dự án Vành đai 3 TP.HCM về cơ bản đã khởi công các dự án xây lắp, trong đó đoạn qua TP.HCM thực hiện 4/10 gói thầu đạt khoảng 17,51% khối lượng; 6/10 gói thầu bắt đầu thi công từ cuối tháng 1/2024. Đoạn qua Đồng Nai thực hiện 3/3 gói thầu, đạt 4,52% khối lượng. Đoạn qua Bình Dương thực hiện 4/4 gói thầu, đạt 13,7% khối lượng. Đoạn qua Long An thực hiện 3/3 gói thầu, đạt hơn 35,9% khối lượng. “4 dự án bồi thường, tái định cư cơ bản đạt tiến độ đề ra. Riêng tỉnh Đồng Nai hiện mới bàn giao 32,6% mặt bằng, chậm khoảng 2 tháng so với tiến độ Quốc hội và Chính phủ yêu cầu do vướng mắc mặt bằng”, Bộ KH&ĐT cho biết.

Tại 3 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có hơn 90% diện tích mặt đường được rải đá dăm, phấn đấu thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào 30/4/2025, sớm hơn 8 tháng so với kế hoạch và vượt khoảng 4 tháng so với cam kết của nhà thầu. Trong khi đó, đoạn qua tỉnh Đồng Nai đến cuối tháng 7 mới bàn giao được hơn 53 ha đất để triển khai Dự án thành phần 1 và khoảng 70 ha đất cho Dự án thành phần 2, tiếp tục “lỡ hẹn” hoàn thành giải phóng mặt bằng. Bộ KH&ĐT chỉ rõ nguyên nhân của sự chậm trễ này là do vướng mắc về công tác kiểm đếm, thiếu nhân sự và đất khó xác định nguồn gốc, quy chủ.

Tại Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành - tuyến giao thông huyết mạch quan trọng bậc nhất phía Nam, đến hết tháng 7/2024, sản lượng đạt trên 80%, chậm 8,6% so với kế hoạch do vướng mắc trong công tác lựa chọn nhà thầu, nguồn vật liệu.

Đối với Dự án Vành đai 4 TP.HCM, theo phân tích của Bộ KH&ĐT, dự kiến sẽ thực hiện dựa trên 3 nguồn vốn: vốn huy động xã hội hóa (PPP), nguồn Nhà nước bồi thường (trong đó vốn trung ương 50% và địa phương 50%), nguồn của địa phương. Tuy nhiên, “thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, việc đấu giá các khu đất sẽ mất thời gian dài nên chưa có đủ nguồn vốn để thực hiện Dự án. Một số địa phương kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn hoặc có chính sách, cơ chế nhằm tăng tỷ lệ điều tiết nguồn ngân sách địa phương được hưởng để tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh, liên vùng. Hiện nay, vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương bình quân được hưởng khá thấp so với các vùng khác”, Bộ KH&ĐT nhận định.

Tạo điều kiện đầu tư kết cấu hạ tầng

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương sớm xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2024 với 30 nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều nhiệm vụ chưa được các bộ, địa phương hoàn thành theo tiến độ, đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng không nêu lý do chưa hoàn thành, lý do kéo dài hay đề xuất trình cấp có thầm quyền lùi thời gian thực hiện.

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Bình Dương cần khẩn trương có ý kiến tham gia Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ để Bộ KH&ĐT có đủ cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với các dự án vùng và liên vùng, cần tích cực đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, gồm cả cơ chế đặc thù để sớm triển khai. “Các địa phương cần lựa chọn các dự án vùng có tính chất quan trọng, cấp bách để ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026 - 2030, trong đó dành nguồn lực phù hợp để làm công tác chuẩn bị đầu tư, rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án”, Bộ KH&ĐT yêu cầu.

Cập nhật của Bộ KH&ĐT cho thấy, tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ 7 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước và chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%). Tuy vậy, vùng này lại có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với 58.246 doanh nghiệp (tăng 9,8%). Đồng thời, vùng tiếp tục dẫn đầu cả nước về số dự án và tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đến hết 20/7/2024 (20.701 dự án và 187,4 tỷ USD), trong đó TP.HCM đứng nhất cả nước về số dự án, chiếm gần 32%.

“Do đó, để vùng Đông Nam Bộ phát huy nguồn lực mạnh mẽ, là vùng kinh tế đầu tàu, Bộ KH&ĐT kiến nghị các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách, trong đó có các chính sách huy động nguồn lực, nhất là đối với các địa phương có khả năng thu lớn, tạo điều kiện để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là các tuyến cao tốc, quốc lộ và các dự án đi qua vùng để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn tới”, cơ quan thường trực Hội đồng điều phối vùng nhấn mạnh.

Chuyên đề