Đấu thầu rộng rãi đạt tỷ lệ tiết kiệm cao nhất
ĐTRR là hình thức lựa chọn nhà thầu cạnh tranh nhất. Nếu thực hiện đúng, sự cạnh tranh từ hình thức này sẽ giúp lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu gói thầu, đồng thời có thể tăng tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu.
Theo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, năm 2015, tổng số gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 trên cả nước là 153.955 gói thầu, với tổng giá gói thầu là 472.238,4 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 435.115,831 đồng, tương ứng với giá trị chênh lệch giữa tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu là 37.122,569 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tiết kiệm 7,86%.
ĐTRR có số lượng gói thầu là 21.734 gói thầu, tổng giá gói thầu là 298.850,869 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 270.045,149 tỷ đồng, với tỷ lệ tiết kiệm cao nhất, đạt 9,64%, tương đương 28.805,72 tỷ đồng.
Chào hàng cạnh tranh có số lượng gói thầu là 14.428 gói, tổng giá gói thầu là 30.591,759 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 27.938,971 tỷ đồng với tỷ lệ tiết kiệm đứng thứ hai, đạt 9,37%. Chỉ định thầu có 105.472 gói thầu, tổng giá gói thầu là 99.539,736 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 95.659,512 tỷ đồng với tỷ lệ tiết kiệm chỉ đạt 3,9%, tương đương 3.880,224 tỷ đồng. Các hình thức lựa chọn nhà thầu còn lại (đấu thầu hạn chế, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, mua sắm đặc biệt, tham gia thực hiện của cộng đồng) có tổng số gói thầu là 12.321 gói thầu, tổng giá gói thầu là 43.256 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu 41.472 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm 4,12%, tương đương 1.783 tỷ đồng.
Như vậy, trong năm 2015, ĐTRR vẫn là hình thức có tỷ lệ tiết kiệm đạt được là cao nhất so với các hình thức còn lại.
Đặc biệt, các gói thầu sử dụng nguồn vốn ODA năm 2015 đạt tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu rất cao. Với việc thực hiện 3.577 gói thầu sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ cho mục tiêu đầu tư phát triển trong năm 2015, tỷ lệ tiết kiệm đạt được lên đến 21,75% so với giá gói thầu.
Tính minh bạch trong đấu thầu được nâng cao
Luật Đấu thầu quy định một trong những tiêu chí đánh giá tư cách hợp lệ của nhà thầu là phải đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Với hệ thống dữ liệu nhà thầu ngày càng được cập nhật thường xuyên, chủ đầu tư, bên mời thầu sẽ có cơ sở dữ liệu tin cậy để làm căn cứ đánh giá năng lực, kinh nghiệm và uy tín của nhà thầu, đồng thời các nhà thầu cũng có thể kiểm tra chéo nhau, giúp giảm bớt việc kê khai thông tin không trung thực về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, góp phần nâng cao chất lượng nhà thầu được lựa chọn.
Bên cạnh đó, tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng trong năm 2015 đã tăng mạnh so với các năm trước đây. Đến nay, hầu hết các địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước đã đăng ký vào Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Số lượng nhà thầu, bên mời thầu năm 2015 đăng ký tăng mạnh, gấp hơn 2 lần số lượng nhà thầu, bên mời thầu đăng ký trung bình hàng năm trong giai đoạn 2012 - 2014 và gấp 39 lần số lượng nhà thầu, bên mời thầu trung bình đăng ký hàng năm trong giai đoạn 2009 - 2011. Số lượng gói thầu điện tử áp dụng trong năm 2015 là 500 gói, tỷ lệ tiết kiệm các gói thầu đã có kết quả lựa chọn nhà thầu trong năm 2015 là 13%. Tuy nhiên, nếu so sánh với số lượng gói thầu thực hiện theo phương pháp truyền thống thì số lượng các gói thầu thực hiện qua mạng còn quá nhỏ, chỉ bằng 0,32%. Bộ KH&ĐT đề nghị các đơn vị cần nghiêm túc triển khai đúng lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng.
Đặc biệt, để tăng cường sự công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu, trong năm 2015, với sự hỗ trợ của Ngân hàn Thế giới, Bộ KH&ĐT đã khởi động thực hiện sáng kiến công khai hóa các hợp đồng đấu thầu, đồng thời với việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá về đấu thầu. Trong giai đoạn này, sáng kiến công khai hóa các hợp đồng đấu thầu được triển khai thực hiện theo hướng dẫn chuẩn hóa dữ liệu hợp đồng, tăng cường công khai các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu và quản lý, thực hiện hợp đồng của các dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước, từ đó thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào quá trình theo dõi, giám sát thực hiện hợp đồng trong các dự án công.