Thúc doanh nghiệp gia nhập cuộc đua đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 sẽ bám sát bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn và sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như chiến lược phát triển các ngành công nghệ cao của Chính phủ Việt Nam.
Chủ đề của Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 là “Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và AI chinh phục thị trường toàn cầu”. Ảnh: Thế Đại
Chủ đề của Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 là “Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và AI chinh phục thị trường toàn cầu”. Ảnh: Thế Đại

Tại cuộc họp báo công bố Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 ngày 18/3/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chọn chủ đề của “Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam” 2024 là “Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và AI chinh phục thị trường toàn cầu”. “Chương trình bám sát vào bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cạnh tranh kinh tế toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của AI, chiến lược phát triển các ngành công nghệ cao của Chính phủ Việt Nam”, Thứ trưởng nói.

Thông tin tại Họp báo, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) cho biết, dự báo, thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022 - 2027.

Nắm bắt được cơ hội đó, Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành bán dẫn; tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp công nghệ để hỗ trợ, phát triển và lan tỏa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư đến năm 2030.

Cùng với ngành bán dẫn, AI là một lĩnh vực nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sự phát triển của AI không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà thực sự sẽ thay đổi cơ bản cách con người nghiên cứu, làm việc, sáng tạo nội dung và được dự đoán sẽ đóng góp hàng nghìn tỷ USD vào kinh tế toàn cầu hàng năm, theo báo cáo của McKinsey 2023.

Năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam. Trong năm đầu tiên, Chương trình tiếp nhận tổng số hơn 758 hồ sơ đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, 4,5 triệu lượt tiếp cận và tương tác trên mạng xã hội, quy tụ 50 chuyên gia đồng hành, 40 đối tác trong và ngoài nước. Chương trình khơi nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp Việt và cộng đồng đổi mới sáng tạo, thậm chí, trong Thông cáo báo chí được Nhà Trắng phát hành vào tháng 9/2023 nhân chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 đã được nhắc tới là một chương trình thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đem lại những giá trị thiết thực cho xã hội.

Trong lần tổ chức đầu tiên, Chương trình chọn ra 12 giải pháp thực chất, có hiệu quả để vinh danh, trong đó có 4 giải pháp thuộc nhóm các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, gồm: Nền tảng Chuyển đổi số - oneSME (VNPT); Tự động hóa quy trình với trợ lý robot ảo (RPA) - FPT akaBot (FPT IS); Dịch vụ quản trị tổng thể cho Hộ kinh doanh cá thể - VNPT HKD (VNPT IT); Phần mềm Phân tích và Quản lý hình ảnh thông minh - CIVAMS (CMC ATI). Cùng với đó, 4 giải pháp thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng 4 giải pháp thuộc nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp cũng được chọn lựa để vinh danh.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Sau 2 năm triển khai, Việt Nam đạt được thành tựu đáng khích lệ, trong đó ghi nhận năm 2022, Việt Nam đứng thứ 55 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số sẵn sàng về AI, tăng 7 bậc so với 2021, theo báo cáo của Oxford Insights.

“Việt Nam đã có những doanh nghiệp đạt những thành tích đáng kể trong nghiên cứu ứng dụng AI như FPT, Viettel AI, VNPT AI, VIN AI… Điều này càng chứng tỏ năng lực và vị thế của kỹ sư, chuyên gia Việt Nam trong việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ AI”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận xét.

Theo TS. Vũ Duy Thức, đồng sáng lập New Turing Institute & VietAI, để theo đuổi ngành công nghiệp AI, vấn đề quan trọng nhất là doanh nghiệp cần xác định được giá trị cụ thể mà AI có thể mang lại. Để xác định giá trị AI mang lại, doanh nghiệp phải xem xét từ việc phát triển các sản phẩm mang tính ưu việt hơn, mang đến trải nghiệm tốt hơn, tương tác tự nhiên hơn với người dùng. Ngoài ra, giá trị cụ thể được đưa đến từ ứng dụng AI vào hoạt động bên trong của doanh nghiệp để có thể cắt giảm chi phí, thời gian hoàn thành các công đoạn, nâng cao chất lượng công việc.

Song song với việc xác định giá trị cụ thể của AI, doanh nghiệp phải nghiên cứu, xem xét lợi thế cạnh tranh lớn của mình trong phát triển và ứng dụng AI. Lợi thế này có thể đến từ dữ liệu mà chỉ doanh nghiệp đó thu thập được, hay người dùng đã sử dụng sản phẩm trước đó…

Theo TS. Vũ Duy Thức, doanh nghiệp cần lộ trình rõ ràng, từ việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm AI trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đặc biệt, cần đào tạo kỹ sư, nhà nghiên cứu AI có chất lượng, có khả năng phát triển AI tốt cho doanh nghiệp…

Giám đốc quốc gia Intel Việt Nam Phùng Việt Thắng cho rằng, đổi mới sáng tạo là động lực phát triển quan trọng cho mọi ngành. Đặc biệt, với lĩnh vực công nghệ bán dẫn hay AI, các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế là nguồn lực dồi dào, trẻ, có sự sẵn sàng cao… “Tuy nhiên, nói như vậy không phải sự sẵn sàng này sẽ đem lại được lợi thế, mà chúng ta phải có chiến lược. Chiến lược không thể đến từ các doanh nghiệp đơn lẻ, mà phải đến từ quốc gia”, ông Phùng Việt Thắng nhận xét.

Chuyên đề