Hình thức đầu tư đối tác công tư trong cung cấp dịch vụ công được kỳ vọng sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững. Ảnh: Tường Lâm |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, diễn ra ngày 12/9, tại Hà Nội.
Sẽ xây dựng nghị quyết về phát triển bền vững
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Văn Trung, việc thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt những chính sách thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Để góp phần thực hiện thành công 17 mục tiêu PTBV, Bộ KH&ĐT đang tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá và lựa chọn những mục tiêu PTBV phù hợp để lồng ghép vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025.
Trước cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ luôn cổ vũ cho đổi mới sáng tạo và đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nên rất coi trọng việc học hỏi kinh nghiệm tốt, những mô hình kinh tế mới của quốc tế và luôn cởi mở đón nhận những giải pháp thông minh, cách làm mới, thiết thực và giải quyết có hiệu quả những vấn đề của thực tế.
Đánh giá Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, cần có sự thống nhất về nhận thức trong toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội về PTBV. Từ đó, tập trung chính sách và nguồn lực để PTBV, lấy con người là trung tâm; tăng cường hiệu suất, hiệu quả kinh tế trong mọi thành phần kinh tế. Hoàn thiện khung khổ thể chế, pháp lý... lồng ghép các mục tiêu PTBV vào phát triển kinh tế - xã hội để thúc đẩy xây dựng xã hội thịnh vượng.
Trước mắt, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về PTBV với các tiêu chí lồng ghép, mục tiêu và giải pháp theo dõi, đánh giá việc thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xây dựng các chỉ tiêu mang tính định lượng, đồng bộ và giải pháp theo dõi, đánh giá việc thực hiện phù hợp để đưa vào Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV.
Thúc đẩy hình thức đầu tư đối tác công tư hướng tới phát triển bền vững
Hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) được xem là một trong những phương thức hiệu quả nhất để triển khai các hoạt động thúc đẩy PTBV, nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam.
Nói đến hình thức đầu tư PPP, bà Vũ Thị Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, đây là lĩnh vực có phạm vi rất rộng về khung khổ đầu tư nói chung, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, mà còn hướng đến cung cấp dịch vụ công.
Hiện khung khổ pháp lý về PPP mới chỉ dừng lại ở tầm nghị định và chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công... Do vậy, Chính phủ đang nỗ lực hoàn thiện việc xây dựng Dự thảo Luật PPP để trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 10 tới.
Để thu hút tốt hơn nguồn lực của khối tư nhân vào phát triển kinh tế - xã hội cũng như giúp thực hiện thành công các mục tiêu PTBV, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đề xuất, Chính phủ cần có các giải pháp thúc đẩy quan hệ đối tác công tư mạnh mẽ hơn nữa, như sớm ban hành Luật PPP, thay đổi mô hình PPP hiện nay, thu hút các nhà đầu tư mới.