Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp, hướng tới tương lai bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nền nông nghiệp hiện đóng góp khoảng 12% GDP của Việt Nam, cung cấp sinh kế cho khoảng 30% lực lượng lao động. Tuy nhiên, ngành này đang đối mặt với các thách thức lớn như biến đổi khí hậu, với dự báo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất từ 500.000 - 1.000.000 ha đất nông nghiệp vào năm 2050 do nước biển dâng, gây thiệt hại hàng năm lên tới 3% GDP. Điều này đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và ít phát thải hơn.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Phát biểu tại Hội thảo "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường" do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp cùng Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Úc (VASEA) tổ chức ngày 17/9/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, đổi mới sáng tạo xanh là yếu tố cốt lõi giúp Việt Nam ứng phó với các thách thức trong ngành nông nghiệp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng các công nghệ xanh trong nông nghiệp, từ hệ thống tưới nhỏ giọt, công nghệ nhà kính thông minh đến việc sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất. Các mô hình này đã giúp giảm lượng phát thải CO2, tiết kiệm nước tới 50%, và tăng năng suất cây trồng từ 20 - 30%.

"Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu giảm 9% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với kịch bản cơ sở, đồng thời cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được điều này, đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp đóng vai trò then chốt", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận xét.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với những thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu, đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp. Trong đó, Việt Nam, với lợi thế là quốc gia nông nghiệp, có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp xanh. Sự đầu tư vào công nghệ, cùng với lực lượng lao động trẻ và chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam thực hiện thành công chuyển đổi xanh trong nông nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Chính phủ đã triển khai một số hoạt động, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đổi xanh trong nông nghiệp. Một ví dụ điển hình là Đề án giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã thu hút 312,84 triệu USD vốn đầu tư, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu ở cấp khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, với những nỗ lực không ngừng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng và thực hiện nhiều chương trình và kế hoạch hành động khác nhau nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi xanh.

Việt Nam đang phấn đấu từ nay đến năm 2030 sẽ thiết lập được 1 triệu ha lúa chuyên canh giảm phát thải tại Đồng bằng sông Cửu Long

Không chỉ vậy, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến ứng dụng và chuyển giao công nghệ cũng như các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người nông dân đầu tư vào các giải pháp công nghệ xanh.

Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng này, Việt Nam cần vượt qua một số rào cản. Một trong những thách thức lớn chính là nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của ngành nông nghiệp vẫn còn hạn chế, tồn tại vấn đề thiếu chuyên gia, đội ngũ có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật cao; tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo vẫn lớn. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các công nghệ xanh, giống cây trồng mới và nguồn vốn đầu tư còn hạn chế.

Trong khi đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh cũng gặp khó khăn trong việc kết nối với các chuyên gia, tiếp cận thị trường và mở rộng quy mô sản xuất. Thiếu hụt cơ sở hạ tầng và nguồn lực cũng là một rào cản lớn cần được giải quyết để thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp này.

Tại Hội thảo Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường, các chuyên gia tại Đại học Quốc gia Australia đã đưa ra những phân tích một cách tổng thể, khách quan về động cơ tài chính của nông dân hướng tới sản xuất xanh trong ngành lúa gạo nhằm xác định được chi phí mà nông dân phải bỏ ra và đánh giá cụ thể lợi ích kinh tế mà nông dân nhận được khi áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa gạo phát thải thấp.

Bên cạnh đó, từ những ví dụ trong thực tiễn, các chuyên gia đã chỉ ra những phương án giúp người nông dân, doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật canh tác phát thải thấp để biến lợi ích môi trường thành tín chỉ carbon có thể giao dịch trên thị trường. Thị trường tín chỉ carbon đang mở ra cơ hội mới cho người nông dân. Việc ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến không chỉ mang đến sản phẩm lúa chất lượng cao mà còn đem lại một số lượng tín chỉ carbon rất đáng kể khi nhu cầu của thế giới về loại tín chỉ này đang tăng cao.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đang phấn đấu từ nay đến năm 2030 sẽ thiết lập được 1 triệu ha lúa chuyên canh giảm phát thải tại Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu mỗi năm toàn ngành lúa gạo giảm phát thải được 10 triệu tấn carbon.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư