Với việc xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch, 3 đặc khu được kỳ vọng sẽ tạo thành các cực phát triển kinh tế - xã hội mới của Việt Nam. Ảnh: Lâm Thanh Sơn |
Không chỉ là ví von, đó cũng chính là niềm ước ao muốn chuyển hóa những thể chế thành hiện thực. Và không chỉ ông Thiên, nhiều người Việt Nam khác cũng cùng chung mong ước đó.
Bước qua lực cản
“Đặc khu” có lẽ là từ có tần suất xuất hiện khá nhiều trên các kênh truyền thông cũng như các chương trình nghị sự làm luật năm vừa qua. Không “hot” sao được khi đây là những nội dung mới, đầy hấp dẫn với các nhà đầu tư nhưng cũng đặt ra không ít thách thức với các nhà quản lý.
Ngay từ khi được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (ĐVHC-KTĐB) đã thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà hoạch định chính sách, nhà kinh tế, dư luận. Bởi trong các kịch bản tìm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế những năm tới, mô hình đặc khu kinh tế được nhắc tới như một nấc thang mới của tư duy phát triển.
Đây là dự án luật đầu tiên được thảo luận và cũng là dự án luật lần đầu cho ý kiến tại Quốc hội khi Việt Nam đã bắt đầu hình thành các đặc khu kinh tế. Do đó, nhiều ý kiến đặt ra là làm thế nào để khung pháp lý này tạo được thể chế vượt trội để đưa đặc khu kinh tế thực sự là cực tăng trưởng của đất nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ĐVHC-KTĐB chính là một trong những vấn đề quan trọng nhất, khó nhất và được quan tâm nhiều nhất về tính phù hợp với Hiến pháp và tính đột phá, đổi mới. Quan điểm của Chính phủ là ưu tiên lựa chọn phương án xây dựng thiết chế Trưởng ĐVHC-KTĐB sẽ bảo đảm tổ chức bộ máy và nhân sự tinh gọn, nhanh nhạy, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội của ĐVHC-KTĐB. “Đây cũng chính là sự thử nghiệm đổi mới bộ máy nhà nước theo Nghị quyết số 11-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Quan tâm chủ yếu đến những tác động trong thực tế khi các đặc khu được hình thành trong tương lai, PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm, việc xây dựng những ĐVHC-KTĐB không chỉ đặt nhiệm vụ xây “tổ cho phượng hoàng đến ở”, mà còn phải (và chỉ nên) là chỗ cho “phượng hoàng đến xây tổ”. Với cách đặt vấn đề như vậy, ông Thắng cho rằng: “Đương nhiên sẽ xảy ra những điểm “vượt bỏ” một số quy định pháp lý trong hệ thống pháp luật hiện hành. Nhưng bản chất của đổi mới, đột phá chính là tìm ra những điểm “vượt bỏ” hợp lý, chính đáng để tạo lập khung khổ pháp lý mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Không vượt qua được những khung khổ pháp lý bất hợp lý thì làm gì có đột phá, làm gì có phát triển!?".
Có thể nói, 2 mục tiêu lớn nhất, yếu tố quyết định cho sự thành bại trong tương lai của luật này là phải tạo dựng các cực tăng trưởng kinh tế và thử nghiệm đổi mới tổ chức, thể chế. Như lời của Thủ tướng Chính phủ từng nói, không đi thì không thể đến được. Chúng ta không nên quá cầu toàn, quan trọng chỉ cần bảo đảm không được trái các nguyên tắc của Hiến pháp, mọi quy định khác đều có thể vượt qua thì mới mong có đột phá.
Đặc khu không xa
Dự án Luật ĐVHC-KTĐB đang hướng tới kiến tạo một mô hình phát triển mới với thể chế, chính sách có tính đột phá, vượt trội so với trong nước và bảo đảm tính cạnh tranh quốc tế tại 3 đặc khu là: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Với việc xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch, 3 đặc khu được kỳ vọng sẽ tạo thành các cực phát triển kinh tế - xã hội mới của Việt Nam trong thời gian tới.
Hình dung về những đặc khu này trong tương lai, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) mô tả, ĐVHC-KTĐB hay còn gọi là đặc khu kinh tế sẽ là nơi thể hiện rõ nhất nền kinh tế thị trường tự do, hiện đại và hội nhập. Đây phải là nơi đầu tiên đón các dòng luân chuyển như dòng người, dòng hàng, dòng vốn… tốt nhất, đón nhận các ý tưởng sáng tạo mới nhất.
Là một trong những địa phương có tiềm lực kinh tế mạnh trong cả nước, Quảng Ninh dự tính trích ngân sách địa phương mỗi năm 1.500 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển đặc khu trong giai đoạn đầu tiên. Con số không nhỏ này cho thấy kỳ vọng của Quảng Ninh đặt lên Vân Đồn là rất lớn. Theo tính toán của tỉnh này, hiệu quả tài chính khi Vân Đồn trở thành đặc khu thực sự ấn tượng. Vân Đồn sẽ có những chính sách đặc thù để phát triển công nghệ cao; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa; dịch vụ hàng không; dịch vụ thương mại và mua sắm…Tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng, tổng thu ngân sách dự kiến của Vân Đồn giai đoạn 2018-2030 đạt 53.862 tỷ đồng, gấp 10 lần so với khi chưa thành lập đặc khu.
Trong khi đó, ước tính tại Phú Quốc, việc áp dụng mô hình đặc khu kinh tế sẽ giúp gia tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 2030; thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm.
Tại Bắc Vân Phong, đặc khu này sẽ đóng góp cho ngân sách khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế và phí, 1 tỷ USD các nguồn thu từ đất. Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030, nâng mức đóng góp GRDP của Bắc Vân Phong vào GRDP của tỉnh Khánh Hòa lên 6% năm 2030.
Có lẽ chỉ trong tương lai gần, khi Luật ĐVHC-KTĐB được Quốc hội thông qua (dự kiến tại Kỳ họp thứ 5), ước vọng của Việt Nam về 3 đặc khu kinh tế sẽ sớm trở thành hiện thực.